Cuốn sách Về pháp quyền (The Rule of Law) ra đời như một nỗ lực diễn giải những đúc kết và suy ngẫm về chủ đề này bởi Thomas (Tom) Bingham, cựu thẩm phán tối cao thuộc Thượng viện Anh và được xem là một trong hai thẩm phán vĩ đại nhất thế kỷ XX của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, sau gần như cả cuộc đời cống hiến cho pháp luật và công lý.
Cuốn sách là một tiểu luận ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều nội dung đáng giá về pháp quyền, đi từ những thảo luận chung về nguyên tắc cho đến phân tích về các trường hợp cụ thể, phần nhiều trong đó được rút ra từ chính sự quan sát và trải nghiệm của Bingham trong vai trò thẩm phán. Sự đơn giản và khúc chiết, đôi khi pha cả chút hài hước, trong cách viết của một thẩm phán kỳ cựu khiến cuốn sách có thể dễ dàng tiếp cận bất cứ độc giả nào, không chỉ là những người hiểu biết về pháp luật.
Đối với người đọc phổ thông, chương 2 (Những cột mốc lịch sử) có lẽ là phần thú vị nhất. Dưới ngòi bút của Tom Bingham, độc giả sẽ được quay ngược dòng lịch sử và đi qua những dấu mốc cũng như văn bản quan trọng trong việc hình thành nên khái niệm pháp quyền ngày nay: từ câu chuyện về bản Đại Hiến chương mà vua John nước Anh phải ký dưới sức ép của người dân, về “Ngũ Hiệp sĩ” bị giam giữ vì từ chối yêu cầu của Nhà vua, về cuộc “Cách mạng vinh quang” không đổ máu của nước Anh, đến sự ra đời của Hiến pháp Mỹ và những bản tuyên ngôn về Nhân quyền.
Độc giả sẽ thấy rằng pháp quyền không phải một khái niệm được ra đời sau một đêm hay bởi một vài bộ óc riêng lẻ, mà là kết quả của cả hành trình dài hàng trăm năm và bởi rất nhiều thế hệ đã đấu tranh không ngừng nghỉ vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Phần tiếp theo thảo luận về các nguyên tắc căn bản của pháp quyền, bao gồm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, giới hạn quyền lực đối với những người thực thi pháp luật và bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền được xét xử công bằng. Bảo vệ nhân quyền là một trong những nội dung quan trọng nhất của pháp quyền: điều này đã được Tom Bingham nhấn mạnh không chỉ một lần.
Tuy vậy, ông hiểu rõ rằng việc xác định những giới hạn trong việc bảo vệ một số quyền là không hề dễ dàng: điều này thể hiện rõ ràng nhất qua tranh luận về quyền tự do tôn giáo hay quyền tự do biểu đạt.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích thẳng thừng một số người mà vì những lý do liên quan đến an ninh hay trật tự xã hội, muốn hạn chế hay thậm chí tước bỏ bất kỳ quyền căn bản nào khỏi sự bảo vệ của pháp luật: liệu rằng chính họ có muốn sống trong một quốc gia nơi mà những quyền này không được pháp luật bảo vệ?
Tương tự, quan điểm của ông đối với quyền được xét xử công bằng cũng cho thấy một sự tin tưởng tuyệt đối rằng công lý sẽ chỉ được đảm bảo bởi một hệ thống pháp luật tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của pháp quyền.
Đọc đến các chương cuối của cuốn sách bàn về thách thức của chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố đối với việc thực thi pháp quyền ở cấp độ quốc tế, độc giả sẽ thấy rằng con đường đến với pháp quyền vốn không “trải hoa hồng”, mà ngược lại, đầy căng thẳng và mâu thuẫn.
Những vấn đề như chiến tranh xâm lược, tị nạn, theo dõi và giám sát người dân, giam giữ không qua xét xử, dẫn độ bất thường hay tra tấn nghi phạm khủng bố đều đặt ra nhiều câu hỏi khó có lời giải thoả đáng đối với việc bảo vệ nhân quyền. Và nỗ lực ngăn ngừa thảm hoạ khủng bố dường như tương phản một cách khắc nghiệt đối với việc bảo đảm và thực thi pháp quyền trên bình diện quốc tế.
Có lẽ mỗi người sẽ có quan điểm của riêng mình, nhưng nhận định của nhà tư tưởng Dawson mà Bingham đã trích dẫn thay cho lời kết của chương này sẽ khiến không ít độc giả phải suy ngẫm: “Ngay khi con người quyết định rằng họ được phép dùng mọi phương tiện để chống lại một cái ác, thì họ không còn phân biệt được cái thiện với cái ác mà họ muốn diệt trừ nữa”.
Do văn phong tương đối dễ hiểu và hiện đại nên việc dịch sang tiếng Việt hầu như không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bởi cuốn sách vốn được viết cho độc giả nước Anh nên có những chi tiết liên quan đến lịch sử mà dịch giả phải tìm hiểu để chú thích thêm cho độc giả Việt Nam.
Tương tự, hiểu rằng cuốn sách sẽ thu hút cả những độc giả phổ thông muốn tìm hiểu về pháp quyền nói riêng và pháp luật nói chung, nhóm biên dịch đã chú ý giải thích những thuật ngữ chuyên môn một cách dễ hiểu nhất.
Nhìn chung, Về pháp quyền là một lựa chọn không thể đúng đắn hơn để giới thiệu với độc giả Việt Nam những thông tin cơ bản và dễ tiếp cận nhất. Thay vì đưa ra một định nghĩa cụ thể về pháp quyền, Tom Bingham đã phân tích khái niệm này dưới nhiều góc độ khác nhau và khiến cho độc giả hiểu được pháp quyền là gì. Không phải bằng những điều luật khô khan mà bằng những câu chuyện, trăn trở và thách thức mà cho đến nay vẫn không ngừng xoay vần theo những chặng đường mới của nhân loại.
Tại Việt Nam, khái niệm "pháp quyền" hay "nhà nước pháp quyền" không còn xa lạ khi mà thuật ngữ "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" được đề cập tại các văn kiện chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ năm 1991.
Nhưng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" lại là một khái niệm có nhiều khác biệt so với "pháp quyền" mà Tom Bingham đề cập đến trong tác phẩm của mình.
Cũng như Tom Bingham, người Anh tự hào về về truyền thống pháp quyền qua hàng trăm năm lịch sử, thấm nhuần trong thực hành chính trị cũng như thực hành tư pháp dù nước Anh không có bản hiến pháp thành văn. Trong khi đó, "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" là một khái niệm mang tính chính trị, một mục tiêu cần hướng đến trong quá trình xây dựng và vận hành chính quyền, cũng như mối quan hệ giữa chính quyền đó với nhân dân.
Đồng thời, độc giả cần lưu ý rằng những ý tưởng về pháp quyền trong tác phẩm này mang tính tham khảo thay vì có thể áp dụng trực tiếp trong bối cảnh pháp luật Việt Nam, bởi hệ thống pháp luật Anh quốc có nhiều điểm khác biệt so với hệ thống pháp luật nước ta, đặc biệt liên quan đến vai trò của thẩm phán.
Hồ Nam - Quỳnh Anh