China Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ hai Trung Quốc - hiện nợ khoảng 305 tỷ USD. Đây là nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới. Nguồn tin Wall Street Journal hồi đầu tuần cho biết tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn có thể phải bán công ty quản lý bất động sản (được định giá 7 tỷ USD) để có tiền mặt trả nợ.
Theo Wall Street Journal, trong 10 năm qua, từng có nhiều cá nhân và tổ chức lên tiếng cảnh báo về mô hình tăng trưởng của China Evergrande. Năm 2012, nhà đầu tư Mỹ Andrew Left khẳng định tập đoàn này sẽ vỡ nợ. Ông mô tả China Evergrande sử dụng hàng loạt chiêu trò để che giấu các vấn đề tài chính nghiêm trọng.
Khi đó, China Evergrande phủ nhận mọi thông tin ông Left đưa ra. Ủy ban Chứng khoán Hong Kong (SFC) cũng có hành động bênh vực tập đoàn của ông Hứa Gia Ấn. SFC đâm đơn kiện dân sự, cáo buộc ông Left tung tin giả để bôi nhọ China Evergrande.
China Evergrande đang nợ khoảng 305 tỷ USD. Ảnh: Getty Images. |
Cái kết được dự báo trước
Ông Left sau đó bị cấm giao dịch ở Hong Kong trong 5 năm và phải nộp lại 206.000 USD tiền lãi từ việc bán khống cổ phiếu China Evergrande (niêm yết tại Hong Kong). Ông cũng phải trả tới 2,5 triệu USD tiền án phí.
Nhà đầu tư Mỹ cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi China Evergrande rơi vào khủng hoảng. “Có ai đoán trước được China Evergrande sẽ suy sụp không? Có. Tôi hoàn toàn đoán được”, ông Left tuyên bố.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service cũng từng chỉ ra những điểm bất thường của China Evergrande trong báo cáo hồi năm 2011 về các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong. Moody’s cho rằng chiến lược tăng trưởng quá nóng và dòng tiền tự do âm của China Evergrande là những vấn đề đáng báo động.
SFC cũng tấn công Moody’s để bảo vệ China Evergrande. Cơ quan này cho rằng báo cáo của Moody’s có lỗi số liệu. Kết quả là Moody’s phải nộp phạt 1,4 triệu USD.
Nhà đầu tư Mỹ Andrew Left. Ảnh: CNBC. |
Moody’s và các hãng xếp hạng tín nhiệm khác như S&P Global Ratings và Fitch Ratings chỉ hạ xếp hạng nợ của China Evergrande trong mùa hè năm nay, khi tình trạng tài chính của tập đoàn Trung Quốc xấu đi trầm trọng. Moody’s thanh minh rằng hãng đã thay đổi triển vọng tín nhiệm của China Evergrande xuống tiêu cực từ hơn một năm trước.
Theo báo cáo năm 2016 của Nigel Stevenson, một nhà phân tích của hãng nghiên cứu GMT Research, China Evergrande sử dụng các biện pháp kiểm toán “bất thường” để nâng khống giá trị hàng loạt tài sản của hãng.
Ví dụ, tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn có khoảng 400.000 điểm đậu xe trống và coi đây là những khoản đầu tư. Công ty này định giá mỗi điểm đậu xe khoảng 20.000 USD. Theo nhà phân tích Stevenson, đây thực tế chỉ là hàng tồn kho và mỗi điểm đỗ xe có giá trị thật chưa đầy 10.000 USD.
Nhà đầu tư ham lãi suất cao
Nhà phân tích Stevenson cho rằng China Evergrande không hề thay đổi sau chừng ấy năm. “Các vấn đề của công ty này phình to hơn nhiều so với thời điểm chúng tôi viết báo cáo năm 2016”, ông nhấn mạnh.
Ngoài SFC, China Evergrande còn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc. Nguồn thu chủ yếu của các địa phương này là bán đất. Theo thống kê của China Index Academy, năm 2020, China Evergrande chi hơn 13 tỷ USD để thu mua đất.
China Evergrande đầu tư vào hơn 1.000 dự án bất động sản ở hàng trăm tỉnh thành khắp Trung Quốc. Đây là một phần trong thỏa thuận thu mua đất với chính quyền các địa phương. Do đó, các dự án nhận được sự hậu thuẫn lớn của quan chức địa phương. Ví dụ, tại thành phố Tự Cống (tỉnh Tứ Xuyên), China Evergrande bán trước căn hộ với giá được chính quyền hỗ trợ một phần.
Một số nhà đầu tư biết rõ rủi ro nhưng vẫn mua trái phiếu của China Evergrande vì lãi suất cao (7,5-14%). Một nhà đầu tư Hong Kong tiết lộ từng nắm giữ 20-80 triệu USD trái phiếu tập đoàn này. “Tôi biết công ty này nợ đầm đìa nhưng lãi suất là rất hấp dẫn”, ông nói.
Khu dân cư do China Evergrande xây ở thành phố Khải Đông, tỉnh Giang Tô. Ảnh: Bloomberg. |
Giá cổ phiếu của China Evergrande cũng luôn duy trì ở mức cao. Tỷ phú Hứa Gia Ấn và vợ nắm giữu ¾ cổ phần công ty, do đó dễ dàng thổi giá cổ phiếu. Hồi năm ngoái, China Evergrande chi 100 triệu USD mua lại cổ phiếu, qua đó đẩy giá lên hơn 20%. Định giá China Evergrande theo đó tăng hơn 5 tỷ USD.
Năm 2016, China Evergrande thực hiện một dự án huy động vốn đầy mạo hiểm. Theo một kế hoạch sáp nhập ngược phức tạp, tập đoàn của tỷ phú Hứa tính niêm yết một công ty con tại sàn chứng khoán Thâm Quyến.
Nhờ đó, China Evergrande huy động được 20 tỷ USD. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là nếu không hoàn tất kế hoạch sáp nhập ngược trong năm nay, China Evergrande phải trả lại hết tiền cho các nhà đầu tư.
Trong suốt 5 năm qua, chính quyền Trung Quốc không thông qua thỏa thuận này. Cuối năm 2020, có thời điểm China Evergrande đối mặt nguy cơ phải trả lại tiền, giá cổ phiếu và trái phiếu chắc chắn lao dốc không phanh. Tập đoàn này né được kịch bản tồi tệ nhất khi đạt thỏa thuận không trả lại tiền với phần lớn nhà đầu tư chủ chốt.
Theo Wall Street Journal, vụ việc này cho thấy nợ của China Evergrande trên thực tế lớn hơn nhiều so với số nợ trái phiếu và nợ ngân hàng ghi trong sổ sách công ty.
Theo các nhà phân tích, giới đầu tư luôn nghĩ rằng China Evergrande là địa chỉ an toàn vì chính quyền Trung Quốc sẽ ra tay giải cứu nếu tập đoàn này nguy ngập. Bởi Bắc Kinh muốn tránh nguy cơ thị trường bất động sản trong nước đảo lộn. Đó là lý do các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.
Tuy nhiên, năm ngoái, Bắc Kinh tỏ dấu hiệu cảnh báo China Evergrande đã vay quá nhiều. Niềm tin vào tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn sụp đổ. Cũng không có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng ra tay giải cứu tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc. Giờ, China Evergrande đối mặt với sự diệt vong.
(Theo Zing)
Nguy cơ 'quả bom nợ Evergrande' phiên bản Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng, câu chuyện của Tập đoàn Evergrande cũng như một lời cảnh báo đối với thị trường bất động sản Việt Nam.