Tin vui mà ngậm ngùi
Hôm qua tôi đọc được bản tin “Người lao động rơi nước mắt khi được về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng” trên Cổng thông tin của Tổng liên đoàn Việt Nam, tường thuật về niềm hạnh phúc của 230 người lao động có hoàn cảnh khó khăn được về quê ăn Tết sau nhiều năm đi làm xa quê.
Trong bản tin, có nữ công nhân nước mắt lưng tròng nói, “trong người nôn nao, cả đêm không ngủ được” vì được về quê; có nam công nhân ôm con nhỏ nói 12 năm nay chưa từng về ăn Tết như lần này.
Thú thực, đó là một tin vui nhưng vẫn còn những ngậm ngùi. Vui bởi vẫn còn có nhiều mạnh thường quân, nhiều sự sẻ chia của cộng đồng cho những người lao động khó khăn dịp Tết. Nhưng buồn bởi những thân phân nghèo khó có lẽ còn nhiều quá, chứ không chỉ mấy trăm người được may mắn như trong bản tin.
Hơn nữa, càng về cuối năm âm lịch, thị trường lao động của nước ta càng trở nên khó khăn hơn so với thông thường. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hơn và buộc phải cắt giảm lao động do nhiều yếu tố.
Người lao động đã mòn mỏi qua mấy năm chống dịch, vừa có cơ hội hồi phục được mấy quý trong năm nay sau khi mở cửa, nay lại lâm vào một đợt khó khăn khác, bắt đầu từ quý 4/2022. Ấy vậy mà tình hình kinh tế được dự báo sẽ còn khó khăn nữa trong nửa đầu năm nay.
Tổng liên đoàn Lao động dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Theo thông tin tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.769 lao động.
Còn trước đó, cơ quan đại diện của người lao động cho biết, có 1.235 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp dệt may (18%), chế biến gỗ (16%), da giầy (9%) và các ngành khác (50%). Tổng số 472.214 lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm, trong đó 41.556 người mất việc, 430.665 người giảm giờ làm bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Những con số đó chỉ cho biết tình trạng ở những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và có báo cáo, trong khi còn biết bao nhiêu doanh nghiệp, hộ gia đình khác không hề có thống kê, báo cáo.
Xin nhắc lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2022 lên tới hơn 143 nghìn, một con số kỷ lục.
Thất nghiệp ở đáy
Nói đến thị trường lao động không thể không nhắc đến báo cáo lao động và việc làm năm 2022 của Tổng cục Thống kê. Bản báo cáo đó có gam màu khá tươi sáng: Tính chung cả năm, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm.
Bức tranh đó có nhiều “điểm sáng” là đương nhiên vì so với 2021, năm cả nước phải phong tỏa, chống dịch. Nhưng nếu đặt nó trong bối cảnh các con số thất nghiệp như trên của cơ quan đại diện cho người lao động thì nó khó có gam màu như mô tả.
Ngay cả con số như sau trong bản báo cáo cũng cho thấy thực tế khác: số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 4 năm 2022 là khoảng 898,2 nghìn người, tăng 26,5 nghìn người so với quý trước.
Báo cáo đó cho biết, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là gần 1,07 triệu người, giảm 359,2 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm phần trăm so với năm trước.
Xin nói về con số thất nghiệp này. Nhiều năm nay, tôi luôn hồ nghi về tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta vì nó rất thấp, quanh mức hơn 2%. Các năm 2020 và 2021 bị tác động kinh khủng như vậy bởi đại dịch Covid mà tỷ lệ này vẫn chỉ tương ứng là 2,48% và 3,22%.
Tôi hoài nghi vì cách tính của ta theo… chuẩn mực quốc tế. Tức là, người thất nghiệp đươc xác định là những người từ đủ 15 tuổi trở lên và hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố: hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm, sẵn sàng làm việc.
Ở các nước phát triển, công dân mất việc, thất nghiệp có bảo hiểm thất nghiệp, có trợ cấp thì định danh họ được ngay.
Nhưng ở ta thì rất khác. Nếu một người không có việc làm, không có bảo hiểm, bị ra lề xã hội thậm chí đi xin ăn mà chỉ đáp ứng một yếu tố trên thì vẫn không được tính là thất nghiệp.
Chẳng hạn, người vợ không có việc làm mà ở nhà nấu cơm cho chồng con, tức là hiện đang làm việc, cũng không bị coi là thất nghiệp. Hay người công nhân không có việc phải ra đường làm xe ôm, làm một cuốc xe mỗi ngày thôi, cũng không bị coi là thất nghiệp.
Đa số người dân nông thôn, dù làm việc vài ngày, còn đa số thời gian là nông nhàn, ngồi chơi xơi nước thôi, cũng không được tính là thất nghiệp.
Vậy nên, tỷ lệ thất nghiệp ở ta luôn luôn thấp, thuộc “đỉnh cao” thế giới. Vấn đề là đa số “không thất nghiệp” lại đang làm việc với đồng lương chết đói, không có tích lũy, chỉ dám chi tiêu cho nhu cầu cơ bản tối thiểu.
Dài dòng chút như vậy để thấy, thống kê thất nghiệp, lao động, việc làm ở ta khó xác định làm sao?!
Có hai con số không thể không nhắc tới: tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2022 là 65,6%; số lao động làm công việc tự sản tự tiêu (chủ yếu ở khu vực nông thôn) năm 2022 là gần 4,4 triệu người, giảm 0,7 triệu người so với năm trước.
Hai con số đó cho thấy, tỷ lệ lớn của lực lượng lao động đang làm ở khu vực phi chính thức. Có bao nhiêu người trong số đó muốn về quê ăn Tết nhưng không thể về vì không được trợ giúp như những người lao động ở các doanh nghiệp may mắn như trên?!
Những con số thất nghiệp thì vô tình, có thể mang gam màu sáng hay xám, nhưng mỗi phận người trong đó rất riêng và chứa đựng biết bao nỗi lòng.
Tư Giang