Khát khao phát triển đất nước
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã nhắc tới từ “doanh nghiệp” 23 lần khi ông báo cáo về Nghị quyết số 29-NQ/TW trước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng.
“Đội ngũ tri thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, ông nói khi đề dẫn hội nghị bàn về nghị quyết “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra mới đây.
Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 đã từng được đặt ra qua nhiều kỳ Đại hội, nhưng rốt cuộc mục tiêu này đã “không hoàn thành”. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần và cũng không đạt mục tiêu; đất nước đối diện với nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy, Nghị quyết số 29-NQ/TW là nghị quyết riêng đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa kể từ Đổi mới 1986 nên được nhiều người kỳ vọng.
Trong Nghị quyết mới ban hành, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được đặt ra như một trụ cột chính: (Để) thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, … doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, là “động lực chính, chủ đạo”; vai trò “xung kích, đi đầu” của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam được phát huy.
Đây là nhận thức rất mới. Cách tiếp cận về vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân như vậy trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là cầu thị và thực tế sau rất nhiều kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta. Kể cả trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân cũng chỉ được xác định để trở thành “một động lực quan trọng” trong nền kinh tế.
Khẳng định vai trò của doanh nhân trong lộ trình công nghiệp hoá đất nước, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nói: “Đến nay, những doanh nghiệp tư nhân lớn bắt đầu được nhìn nhận về vai trò dẫn dắt, trụ cột trong nền kinh tế, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước”.
Vingroup đã góp phần vào phát triển các đô thị hiện đại, nâng cao chất lượng sống của người dân hay hiện thực hóa giấc mơ sản xuất ô tô của người Việt, thậm chí cạnh tranh ở nước ngoài. Tập đoàn Thaco đã tạo ra một tổ hợp sản xuất tầm cỡ thế giới với hàng loạt thương hiệu ô tô. Các tập đoàn xây dựng Sungroup, Novagroup đã phát triển hàng loạt các khu các đô thị hiện đại, các khu nghỉ dưỡng để thu hút khách quốc tế. FPT đã vươn ra những thị trường cạnh tranh nhất về công nghệ như Mĩ, EU, Nhật Bản. Tập đoàn kinh tế Nhà nước như Viettel vừa chiếm lĩnh thị trường trong nước, vừa vươn ra nước ngoài.
Ông Thiên nói: “Điểm chung của các doanh nhân là họ đều có khát khao giúp phát triển đất nước”.
Kể từ khi khu vực kinh tế tư nhân được thừa nhận sau Đổi mới, rồi được thể chế hóa hoạt động sau Luật Doanh nghiệp 1999 và trong nhiều luật khác đến nay, khu vực kinh tế này đã ngày càng lớn mạnh. Tuy vậy, nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn không lớn lên được như kỳ vọng; đóng góp của họ chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong suốt hai thập kỷ nay. Thậm chí, 10 Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 khẳng định điều này: “Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Doanh nghiệp là tài sản của nền kinh tế đất nước
Quyền tài sản đã được nhấn mạnh là còn yếu trong Báo cáo Việt Nam 2035 của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới. Theo đó, xếp hạng quyền tài sản của Việt Nam chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức của các quốc gia thu nhập trung bình thấp, và tất nhiên còn khoảng cách so với mức của các quốc gia thu nhập trung bình cao. “Quyền tài sản, quyền sở hữu ở nước ta được bảo vệ rất mong manh”, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói.
Một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện nay là theo các báo cáo PCI của VCCI cho thấy, có tới hơn ¼ số doanh nghiệp bị thanh tra ít nhất 2 lần mỗi năm. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI nhận xét, nhiều năm nay, các doanh nghiệp luôn phải đối diện với hoạt động thanh tra kiểm tra “dày đặc, chồng chéo, trùng lắp”. Doanh nghiệp quy mô càng lớn và hoạt động càng lâu năm thường là đối tượng bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn. Đây là một trong những nguyên nhân doanh nghiệp không muốn “lớn lên”.
Trong khi đó, ông Cung, nhận xét, doanh nghiệp đang suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ sau đại dịch Covid -19 trong khi đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí khó khăn hơn 10 năm trước, khi kinh tế vĩ mô chao đảo.
Trong bối cảnh xử lý các vụ sai phạm liên quan đến doanh nhân gần đây, ông cho rằng, cần phân định rõ chức năng, vai trò giữa người chủ doanh nghiệp với công ty đó, đặc biệt là các công ty đại chúng, vì hai thực thể này khác nhau về trách nhiệm và pháp lý. Tài sản của doanh nghiệp là của công ty, của các cổ đông chứ không phải gắn với riêng doanh nhân; vì vậy, không nên gắn trách nhiệm của cá nhân chủ doanh nghiệp khi họ sai phạm lên các doanh nghiệp.
"Khi cá nhân chủ doanh nghiệp sai phạm thì xử lý cá nhân đó thôi chứ không nên gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp vì doanh nghiệp, xét cho cùng, là tài sản của nền kinh tế đất nước, của nhiều nhà đầu tư, đối tác, người tiêu dùng”, ông Cung nói.
Quan điểm này được ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, chia sẻ. Trong một cuộc tọa đàm gần đây, ông Đoàn dẫn chứng chuyện Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung phải ngồi tù nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường và cách xử lý ở Hàn Quốc. "Đừng huỷ hoại một doanh nghiệp rất lớn bởi sai phạm của một số cá nhân vì phải mất cả chục năm mới xây dựng được doanh nghiệp quy mô lớn như vậy", ông Đoàn nói.
Vì thế, “không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế” được Thủ tướng nhắc lại nhiều lần gần đây như là một quan điểm trong điều hành để cổ vũ, động viên giới doanh nghiệp chân chính đang đối mặt với các khó khăn chồng chất sau đại dịch.
Nghị quyết 29-NQ/TW phác họa con đường đưa đất nước đến tương lai hùng cường và thịnh vượng trong mấy chục năm tới đã khẳng định một lần nữa vai trò của doanh nghiệp dân tộc. Việc cần làm tới đây là rất nhiều để thể chế hóa nghị quyết và đưa tinh thần của nó vào cuộc sống, để củng cố niền tin của giới doanh nhân của đất nước.
Tư Giang