Không chỉ do nguy cơ thoái trào sau các cơn sốt, mà còn do đám cò đất luôn giăng những cái “bẫy” để lừa những nhà đầu tư “xanh non”.
Thành phố trong mơ biến thành... ác mộng
Thực ra từ trước Tết Nguyên đán, trong giới đầu cơ đã râm ran về dự án này. Đầu tiên, họ truyền nhau những thông tin về một siêu dự án, có mức đầu tư “khủng” cùng lối thiết kế “sang xịn mịn”, của thì “tương lai”. Đồng thời, họ cũng hỏi nhau khi nào thì dự án mở bán những lô đầu tiên để chuẩn bị “hèo” (tiền).
Bị cuốn trong cơn lũ thông tin, chị Thu Giang (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - một nhà đầu tư mới nổi) cũng háo hức “đón đầu xu thế”. Sau khi lướt lát trang Facebook “Thành phố trong mơ” thì chị đọc được thông tin có một sàn bất động sản nhận đặt cọc “thiện chí” cho dự án này. Liên hệ với Thắng (nhân viên của sàn bất động sản Q.L) chị Giang được mời đến xem dự án và để “chốt cọc”.
Hôm sau, chị Giang có mặt tại một quán cà phê ở thị trấn Văn Giang (Hưng Yên) - nơi cách dự án “thành phố trong mơ” chỉ chưa đầy một 1km. Thắng đã đợi chị từ lúc nào và đưa chị đi tham quan dự án trên chiếc xe Mercedes S550. Anh ta liên tục đưa ra những thông tin về độ “hoành tráng”, “khủng long” của đại đô thị lớn nhất miền Bắc. Đặc biệt là tiềm năng sinh lời thì “khỏi phải nghĩ”.
Thắng bảo nếu chị thiện chí mua thì anh ta sẽ “rấm” cho chị một “slot” là một căn liền kề (hoặc biệt thự/shophouse) tùy vào số tiền hoặc khẩu vị của nhà đầu tư. Thắng còn không quên đưa chị sang tham quan nhiều khu đất nền của khu đô thị công viên đại dương cách đó không xa (thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) với mức lời lên đến 100% chỉ sau một năm đầu tư.
Ngợp bởi một “biển” thông tin từ anh nhân viên sàn bất động sản khéo miệng và đẹp trai, chị Giang sau vài phút suy nghĩ thì chốt đặt cọc 500 triệu đồng để có quyền mua một căn liền kề. Số tiền này sẽ được khấu trừ khi thực hiện hợp đồng mua bán chính thức. Diện tích và vị trí lô đất sẽ được quyết sau.
Cuối tháng 4-2022, Thắng chủ động liên hệ với chị Giang và thông báo đầu tháng 5 chủ đầu tư chính thức mở bán những lô đầu tiên, không quên nhắn chị chuẩn bị tiền. Vì là dự án “hot”, chỉ được phân phối độc quyền từ một số sàn bất động sản có uy tín nên nhà đầu tư sẽ phải trả 2 loại tiền chênh. Đầu tiên là tiền chênh từ suất mua “ngoại giao” (nghĩa là mua lại của các VIP, được chủ đầu tư ưu tiên mua với giá gốc) khoảng 1-2 tỷ đồng. Thứ hai, người mua cũng phải trả cho sàn bất động sản tiền chênh khoảng 1 tỷ đồng/lô nữa.
Thắng lý giải, do việc bán chung cư khó hơn bán đất nền rất nhiều nên chủ đầu tư đã ép sàn phải phân phối sản phẩm theo kiểu “bia kèm lạc”. Để được quyền bán một căn shophouse/biệt thự/liền kề thì sàn bất động sản sẽ phải “bao tiêu” khoảng 6-8 căn chung cư nữa. Như vậy, riêng tiền chênh, chị Giang đã phải trả hơn 2 tỷ đồng. Để vào hợp đồng mua một căn biệt thư có diện tích 160m2 với giá khoảng 20 tỷ đồng, chị Giang sẽ phải nộp vào 30% giá trị lô đất là 6 tỷ. Tổng cộng, chị phải chuẩn bị số tiền lên đến hơn 8 tỷ đồng.
Thấy số tiền quá lớn, lúc đầu chị Giang hơi chờn. Song, Thắng liên tục trấn an rằng cứ chồng đủ tiền cho anh ta thì kiểu gì cũng kiếm được một lô không “hoa hậu” thì cũng phải cỡ “á hậu”. Chỉ cần lướt lát vài ngày cũng được dăm tỷ đồng. Thậm chí, Thắng còn hứa hẹn chắc như đinh đóng cột rằng, nếu trong vòng 10 ngày mà chưa lướt được thì anh ta sẽ mua lại cho chị Giang. Anh ta cũng mở điện thoại cho chị Giang xem số dư tài khoản ngân hàng lên tới hơn 40 tỷ đồng.
Do đã trót đặt cọc 500 triệu, lại bị mờ mắt bởi thông tin những lô đất nền ở dự án công viên đại dương cách đó vài km luôn trong tình trạng cháy hàng. Mỗi năm giá trị bất động sản tăng từ 50 đến 100%. Ngoài ra, Thắng cũng cho biết, khi mua hàng ở dự án “thành phố trong mơ”, chị Giang còn có thể vay ngân hàng 70% giá trị trong hợp đồng mua bán, lại được ân hạn trong vòng 2 năm. “Chả lẽ trong 2 năm mà không ra được hàng cho chị thì em có mà đi đầu xuống đất” - Thẳng khẳng định chắc nịch.
Chỉ có 2 ngày suy nghĩ và huy động tiền, chị Giang quyết định rút sạch tiền trong tài khoản và vay nóng bạn bè người thân để gom đủ hơn 8 tỷ đồng đưa cho Thắng, hi vọng sẽ lướt sóng, kiếm tầm 10% là cũng đã mãn nguyện.
Tuy nhiên, đầu tháng 5-2022 khi mà nhiều nhà đầu tư nô nức lên văn phòng của chủ đầu tư để ký hợp đồng mua bán thì chị Giang lại bồn chồn khi không thể liên hệ được với Thắng. Chị hốt hoảng lên tận sàn bất động sản nơi Thắng làm việc với hy vọng sẽ đòi lại được số tiền đã đưa, vì chị chưa đặt bút ký hợp đồng. Chị cũng xác định mất 500 triệu đồng tiền cọc cũng chấp nhận.
Tuy nhiên, tình huống xấu hơn chị dự tính. Các nhân viên sàn bất động sản nói rằng nhiều ngày nay họ cũng không liên hệ được với Thắng. Gia đình, vợ con anh ta đang túa đi tìm. Một nhân viên kéo chị Giang ra một góc, hỏi chị đưa cho anh ta nhiều tiền không. “Mấy hôm nay có nhiều đối tượng xã hội đen lảng vảng ở đây để tìm. Chúng bảo tháng trước Thắng vay của bọn chúng hàng chục tỷ đồng để “chơi” tiền điện tử và đã thua lỗ hết”. Chị Giang lúc này mới rụng rời tay chân, vội vàng lên Cơ quan công an trình báo...
Nhà đầu tư cần nâng cao cảnh giác
Ngoài bất động sản ở khu vực phía Đông của TP Hà Nội lên cơn sốt thời gian qua, thì ở khu vực phía Nam cũng đã bắt đầu “nóng” trở lại sau một thời gian dài bị nhà đầu tư thờ ơ. Nhất là sau khi có thông tin quy hoạch dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô và thông tin quy hoạch sân bay thứ hai ở Hà Nội, bất động sản tại khu vực Thường Tín, Phú Xuyên... (Hà Nội) đã lên cơn sốt với mức giá giật mình.
Với vai là một nhà đầu tư, chúng tôi có mặt tại khu vực quốc lộ 1A thuộc xã Thắng Lợi, Thường Tín. Thoáng thấy xe chúng tôi bật xi nhan để tấp vào lề, một “cò” đất đã chạy ra vẫy vào rồi hỏi luôn: “Các anh tìm mua đất đúng không? Bên em đang có nhiều lô đẹp lắm. Đỗ xe ở đây em dẫn đi xem”.
Rồi cò (tên Hưng) dẫn chúng tôi ra khu vực phố Tía (Tô Hiệu, Thường Tín) chỉ vào lô đất ven đường bảo. Bên em chỉ còn một lô thổ cư duy nhất, diện tích khoảng 100m2, mặt tiền 4m, đường hơn 6m có giá siêu rẻ. “Mảnh này cực kỳ tiềm năng khi đây là khu vực kinh doanh sầm uất từ lâu, lại gần ngay khu đất đấu giá, cách quốc lộ 1A có 100m. Anh xem rồi chốt sớm chứ vài ngày nữa là không còn giá này nữa đâu” - Hưng giục.
Cũng theo anh ta, từ khi có thông tin về đường vành đai 4, đặc biệt là quy hoạch sân bay thì đất ở khu vực này đã tăng “chóng mặt”. Nếu như tháng trước, những lô đất vị trí tốt, mặt đường ôtô tránh nhau có giá khoảng 20-25 triệu/m2 thì thời điểm hiện tại đã tăng thêm 5-10 triệu/m2.
Hưng cho biết thêm, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã về Thường Tín tìm mua các lô đất có diện tích lớn. “Đất ở nhiều khu vực tại Hà Nội khá đắt đỏ, trong khi Thường Tín quỹ đất vẫn còn nhiều. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã về Thường Tín tìm mua đất từ năm ngoái đến nay. Nếu xây sân bay tại đây, thì nhà đầu tư có thể lời gấp đôi, gấp ba là trong tầm tay”.
Một cò đất khác (tên Kiên) thì giới thiệu với chúng tôi khu đất thuộc đại lộ Ninh Sở. Theo anh ta thì đây chính là khu vực gần sân bay nhất, nên giá chắc chắn sẽ tăng bằng lần. Dù vậy, khi chúng tôi hỏi thêm rằng lộ giới với sân bay có chưa, hay sân bay rộng khoảng bao nhiêu ha thì Kiên... cứng họng. Dù vậy, anh ta vẫn rất mạnh miệng: “Các anh đầu tư bất động sản biết thừa rồi. Cứ mua là chắc chắn có lời. Chỉ cần đất sạch, không dính quy hoạch, nằm ở mặt đường hoặc gần đường giao thông là “auto” lãi”.
Dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có không ít nhà đầu tư dính “trái đắng” khi mua bất động sản bởi những tay cò lừa siêu hạng này.
Anh Hoàng Hùng (trú tại TP Hải Dương) cay đắng kể lại. Tháng trước, khi nghe thông tin sân bay thứ hai nhiều khả năng sẽ được xây dựng tại huyện Thường Tín, vợ chồng anh đã đánh ô tô lên tận nơi để xem. Sau khi xem xét vị trí cũng như pháp lý một lô đất ven quốc lộ 1A, vợ chồng anh Hùng quyết định xuống cọc, hẹn 15 ngày sau sẽ ra công chứng để sang tên.
Nhưng, ngay hôm sau, “cò” đã gọi điện thoại cho chị Hoa (vợ anh Hùng) nói rằng có khách muốn mua lại lô đất đó. “Tôi bàn với vợ là lời được trăm triệu thì sang tay luôn mà cô ấy không nghe, chê tôi “chỉ biết ăn non”. Không những thế, vợ tôi còn vay mượn, rủ bạn bè tiếp tục ôm thêm vài lô đát thổ cư loanh quanh khu vực đó” - anh Hùng kể.
Do vội vàng muốn xong việc ngay, lần này chị Hoa không để ý kỹ về vị trí và giá của thửa đất. Đặc biệt, cò còn giới thiệu lô đất có giá siêu tốt nhưng đang làm thủ tục lên thổ cư nên chỉ có giấy viết tay, giá rẻ bằng 1/2 những lô kia. Thế mà chị Hoa cũng cắm đầu chồng đủ tiền cho bên bán. Khi ra công chứng mới phát hiện dính phải đất vườn, chưa biết khi nào mới lên được thổ cư. Còn những lô thổ cư thì qua tìm hiểu mới biết cao hơn mặt bằng giá rất nhiều. “Đến mùa quýt mới ra được hàng, trừ phi cắt lỗ” - anh Hùng thốt lên.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, bất cứ động thái nào về cơ chế, chính sách hay quy hoạch từ phía Nhà nước đều lập tức tác động đến thị trường bất động sản và tạo cớ để giới đầu cơ tạo nên những cơn sốt đất ảo. Ngay lúc mới chỉ là thông tin, thậm chí chỉ là đề xuất của một cơ quan tham mưu thì nhiều người, thậm chí là cả tổ chức môi giới đã lợi dụng để tung tin, đẩy giá bất động sản nhằm trục lợi.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khuyên các nhà đầu tư tỉnh táo bởi đề xuất xây dựng sân bay ở phía Nam thành phố mới chỉ là ý tưởng ban đầu, còn có đi vào chính thức và bao giờ triển khai là chuyện của tương lai. “Việc đón đầu quy hoạch là tốt nhưng những vấn đề là quy hoạch thường có độ trễ. Thực tế, có những công trình từ ý tưởng ban đầu đến khi thực hiện trễ đến hàng chục năm. Nếu không cẩn thận, các nhà đầu tư rất dễ bị “chôn vốn”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch, pháp lý cũng như tính kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, khả năng thanh khoản trước khi “xuống tiền”. Khi chưa nắm rõ thông tin quy hoạch, nhà đầu tư không nên mạo hiểm, đặc biệt ở những khu vực đang có dấu hiệu bị đẩy giá. Chưa kể, nhiều cò mồi còn có rất nhiều thủ đoạn để đưa các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm sập bẫy, mất tiền mà còn mua bực vào người.
(Theo An Ninh Thế Giới)