Những ngày gần đây, tràn lan trên các trang cá nhân của những người dùng mạng xã hội (MXH) là những clip, những chia sẻ, bình luận liên quan đến sự việc ồn ào về câu chuyện người vợ đánh ghen, lột quần áo một người phụ nữ khác (được cho là làm ngân hàng) tại TP. Cần Thơ. Không biết rõ sự việc ra sao, những “nhà báo” MXH này đã dùng rất nhiều ý kiến cá nhân cộng với những bằng chứng (hình ảnh, clip…) để đăng tải, kết luận vụ việc mà không biết bản thân cũng có thể vi phạm pháp luật.
Việc sử dụng trang MXH để nêu quan điểm, chính kiến của cá nhân về một vấn đề nào đó, pháp luật không cấm. Chính vì không cấm, nên nhiều người ngộ nhận, cho rằng mình có thể làm bất cứ thứ gì trên trang cá nhân, kể cả là nói sai sự thật, tuyên truyền chống phá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hoặc nói xấu tổ chức, cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Không ít người “lấp liếm” cho rằng, đó là quyền tự do ngôn luận, mỗi người có thể tự mình làm một “nhà báo” trên trang cá nhân của mình, rộng hơn là trên MXH.
Ngay cả là các nhà báo được cơ quan chức năng cấp thẻ Nhà báo, đang hoạt động ở các cơ quan báo chí trên cả nước, họ vẫn phải chịu sự điều chỉnh và chế tài của các quy định pháp luật liên quan đến nhà báo như Luật Báo chí, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Báo chí… Cho nên mỗi người, khi đưa quan điểm của cá nhân trên MXH, đều phải chịu trách nhiệm với nó.
Cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật về phát ngôn trên MXH, hiện nay nếu vi phạm liên quan đến các quy định này, nhẹ thì người dùng MXH sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi như “Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân” theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nặng hơn là phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi của mình trên MXH nếu các vi phạm đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự.
Tương tự, liên quan đến các quy định của Nghị định 168/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhiều trang MXH đã đăng những thông tin sai sự thật về việc treo thưởng cho những người quay clip ở các chốt đèn tín hiệu giao thông kiếm tiền trăm triệu; hay những đăng tải có tính bài xích các quy định mới về mức phạt tiền cao đối với các lỗi vi phạm giao thông, kèm những so sánh với mức phạt của nhiều quốc gia trên thế giới… đều là những hành vi vi phạm.
Ở không ít diễn đàn MXH trong những ngày gần đây, nhiều đối tượng phản động đã dẫn dắt, lôi kéo người thiếu hiểu biết like, chia sẻ, bình luận với những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật liên quan đến việc thực thi Nghị định 168, người dùng MXH cần tỉnh táo để phân biệt và hành xử đúng pháp luật.
Đừng để bị dẫn dắt trở thành con mồi cho các đối tượng xấu, trước hết là bản thân bị thiệt hại, sau nữa còn làm ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật, đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Theo Kim Phượng (Báo Bạc Liêu)