Chiều ngày 5/9, Công an thành phố Hà Nội cho biết, để phục vụ tối đa việc hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại vùng 1, ngoài số điện thoại đường dây nóng (hotline) đang sử dụng là 069.219.4299, đơn vị cung cấp thêm 2 số hotline 069.219. 4295 và 069.219.4296.

Ngay trước đó, sáng 5/9, Công an thành phố Hà Nội đã thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, Thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid - 19 trong vùng 1 - vùng sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch ở mức cao hơn trong thời gian từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.

{keywords}
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân liên hệ 3 số điện thoại trên để được hướng dẫn, giải đáp kịp thời về các thủ tục đăng ký Giấy đi đường (Ảnh minh họa: Nhị Tiến)

Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội, tối 5/9, tại cuộc họp giao ban Sở Chỉ huy thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, tuy nhiên Thành phố cũng xác định làm quyết liệt nhưng không cầu toàn.

Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của Thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Khi vận hành các chốt, vùng 1, 2, 3 thì Thành phố sẽ tiến hành theo cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời từ thực tế việc lưu thông của người dân theo Giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu. Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 - Nhánh 4 để được hướng dẫn cụ thể.

Trước đó, vào ngày 3/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Theo lãnh đạo UBND thành phố, sau 3 đợt giãn cách và đặc biệt sau những đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi, có thể thấy dịch tập trung ở các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, trong khi một số quận huyện khác đã giảm nguy cơ. Tuy nhiên, nới lỏng giãn cách theo địa giới hành chính trong khu vực mật độ dân cư cao là khó khả thi.

Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, lãnh đạo UBND thành phố quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Cụ thể, trong thời gian từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, Hà Nội thực hiện phân theo 3 vùng với các biện pháp phòng chống dịch tương ứng. Trong đó, vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ; hiện đang là “vùng đỏ”, “vùng cam”, có nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.

Vùng 1 bao gồm: toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai) và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín).

Những ngày tới, vùng 1 sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” nhằm khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để.

Vân Anh

Shipper tại Hà Nội được hoạt động từ 9h đến 20h hàng ngày

Shipper tại Hà Nội được hoạt động từ 9h đến 20h hàng ngày

UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý đề xuất của Sở Giao thông vận tải là thời gian hoạt động vận chuyển giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính bằng xe mô tô, xe hai bánh của nhân viên giao hàng (shipper-PV) từ 9h đến 20h hàng ngày.