Trong Sách trắng Edtech Việt Nam 2023, Edtech Agency đã cùng các chuyên gia tìm hiểu Edtech Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ Edtech thế giới; những xu hướng mới của Edtech đang diễn ra; những sản phẩm nổi bật đang thu hút người dùng Việt Nam…

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Edtech Agency chủ trì, phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành thực hiện hoạt động xếp hạng các sản phẩm Edtech có mặt trên thị trường Việt Nam. Bảng đánh giá xếp hạng các sản phẩm Edtech cho thấy phần nào xu hướng sử dụng sản phẩm Edtech trên thị trường Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Hồng Hạnh - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành EdTech Agency cho biết, Edtech đã có sự bùng nổ trong giai đoạn đại dịch và tiếp tục là lĩnh vực hứa hẹn thu hút làn sóng đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam. Tính đến tháng 6/2023, có khoảng 70 quỹ đầu tư đã rót hơn 400 triệu USD cho startup Edtech Việt Nam.

“Trong bối cảnh thị trường có rất nhiều các sản phẩm Edtech khác nhau thì việc xây dựng các phương pháp xếp hạng hệ thống EdTech hiệu quả, giúp người dùng dễ dàng lựa chọn hơn là nên làm và Edtech Agency đã, đang ngày càng hoàn thiện hơn các tiêu chí đánh giá nhằm mang lại những đo lường ngày càng chính xác”, bà Hạnh nói.

Tại sự kiện, PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng đặt chuyển đổi số là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phát triển.

Tuy nhiên, theo bà Ngọc, một trong những vấn đề hiện nay là cần bồi dưỡng, đào tạo công nghệ cho những người làm công tác giáo dục. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải hướng được sản phẩm tới đúng - trúng - sát với nhu cầu của các nhà trường và người học. Việc đánh giá và khảo sát nhu cầu của người học nên được các doanh nghiệp đầu tư, cần thêm các sáng kiến thử nghiệm mới trong các cơ sở giáo dục…

Trong Sách trắng EdTech Việt Nam 2023, Edtech Agency cùng các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp thay vì tập trung vào phân khúc K12 vốn đã là một thị trường cạnh tranh thì nên chú trọng hơn vào phân khúc dành cho người đi làm để phát triển các nội dung phù hợp, tăng tính cập nhật, linh hoạt thực tiễn trong các chương trình đào tạo kỹ năng số trong bối cảnh mới; Phát triển và mở rộng các phân khúc mới dành cho người lớn, người cao tuổi đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Phát triển sản phẩm nền tảng chuyển từ tiếp cận hệ thống quản lý học tập (LMS) sang nền tảng trải nghiệm học tập (LXP) để tăng cơ hội trải nghiệm người dùng và phát triển dữ liệu nội sinh, chứng chỉ ghi nhận cho các khóa học; Phát triển và đa dạng hóa các mô hình mới trong phân phối sản phẩm theo tiếp cận “thuê bao trọn gói” đáp ứng và tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng.

Ngoài ra, cần phát triển các giải pháp mang tính hội tụ tích hợp các công nghệ, dịch vụ trong cùng nền tảng, chia sẻ dữ liệu dùng chung để tăng trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc thực tế và nhu cầu học tập suốt đời.

Link tải Sách trắng và Bảng xếp hạng Edtech: https://edtechagency.net/vi/
Thúy Ngà