Ngày 6/5, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đỏi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025” trong năm 2022.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực canh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.
Cùng với đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là trong năm nay hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 600 doanh nghiệp; đồng thời ươm tạo, phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ 20 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mạo hiểm.
AI, Edtech, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, tác động xã hội là những lĩnh vực sẽ được TP.HCM hỗ trợ hình thành, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong năm 2022. (Ảnh minh họa: Internet) |
Tại kế hoạch, UBND thành phố cũng xác định 8 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; Thúc đẩy hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Đề án.
Các nhiệm vụ của kế hoạch sẽ được hiện thực hóa thông qua 19 dự án cụ thể, với mục tiêu, nội dung, đơn vị chủ trì, phối hợp và thời gian triển khai được nêu rõ.
Theo đó, dự án “Đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo” do Sở KH&CN chủ trì sẽ được thực hiện thường xuyên trong năm. Mục tiêu là phát triển sàn giao dịch công nghệ thành phố trở thành trung tâm kết nối cung cấp, hợp tác, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Một nội dung của dự án sẽ được tập trung triển khai là quản trị vận hành hiệu quả Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Techport) và hoàn thiện mô hình hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức trưng bày công nghệ và thiết bị tại Chợ công nghệ và thiết bị thường xuyên – Techmart Daily; các kỳ báo cáo phân tích xu hướng công nghệ thuộc những lĩnh vực trọng yếu của thành phố; chuỗi sự kiện kết nối “Cà phê công nghệ”; cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu về các đơn vị tài sản trí tuệ hiện có...
Cũng có cơ quan chủ trì là Sở KH&CN thành phố, dự án “Hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm” nhằm ưu tiên hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm, các công nghệ và sản phẩm đổi mới sáng tạo có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế cho thành phố.
Cụ thể, với dự án này, TP.HCM sẽ hỗ trợ hoạt động của các hệ sinh thái, tập trung phát triển những hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ giáo dục (Edtech) và nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế và tác động xã hội.
Để triển khai kế hoạch mới ban hành, TP.HCM sẽ tổ chức thực hiện nhiều dự án khác như: Hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin KH&CN phục vụ nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; Thành lập và đưa vào hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TP.HCM; Hình thành không gian hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống huấn luyện trực tuyến về nâng suất, chất lượng, đổi mới sáng tạo...
Vân Anh
Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt có thể tập trung vào kênh phân phối TMĐT để mở rộng thị trường
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam có thể tập trung phát triển để khai mở tiềm năng trên TMĐT để tăng trưởng doanh thu và mở rộng thị trường.