Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển vượt bậc và nhu cầu tinh gọn bộ máy quản lý ngày càng cấp thiết, ý tưởng cho phép công chức làm việc từ xa do Bộ Nội vụ đề xuất nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của độc giả gửi về báo VietNamNet.
Một độc giả chia sẻ trải nghiệm đi xin giấy chứng nhận độc thân tại xã, phải chờ đến 2h30 chiều mới thấy cán bộ xuất hiện, rồi đến 3h mới nhận được giấy. Khi cần chữ ký, lại được thông báo “chủ tịch đi vắng, mai quay lại”.
Trải nghiệm này có lẽ không phải hiếm, khiến chính độc giả đó phải đặt ra câu hỏi: Liệu công việc trực tiếp đã vậy, làm việc từ xa có khả thi?
Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do để thay đổi cách quản lý cán bộ, công chức, hướng đến hiệu quả thực chất thay vì chỉ dựa vào giờ hành chính 8 tiếng/ngày như hiện nay.

Nhân văn, mang lại nhiều lợi ích
Nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ với đề xuất cho cán bộ công chức làm việc từ xa. “Tùy vị trí công việc nên cho các công chức, viên chức được làm việc từ xa, luân phiên đến cơ quan, như vậy cũng sẽ giảm bớt diện tích văn phòng, trụ sở, tiết kiệm tiền ngân sách”, độc giả Văn Thao chỉ ra một số ưu điểm.
Độc giả Huy Bin cũng hoàn toàn đồng ý đề xuất nên cho phép công viên chức đi làm từ xa linh hoạt, do sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, nhiều người sẽ phải đi làm xa hơn, thậm chí mất 1-2 tiếng trên đường.
Đồng tình với ý kiến trên, một bạn đọc khác phân tích những ích lợi khi công chức có thể được làm việc từ xa: "Tiết kiệm thời gian di chuyển trên đường, thời gian ấy tôi có thể hoàn thành gấp đôi số lượng công việc thay vì chen chân trong cảnh tắc đường bụi bặm, lại còn góp phần gây ô nhiễm không khí. Với các phụ huynh phải đưa đón con đi học vài ca mỗi ngày, chế độ này lại càng giúp họ đỡ vất vả hơn, cải thiện sức khỏe, nâng cao hạnh phúc gia đình”.
Phù hợp với xu hướng số hóa
Đa số bình luận cũng đồng tình rằng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, việc cho phép công chức ở một số bộ phận làm việc là phù hợp với xu hướng số hóa.
Anh Minh đặt vấn đề cần thay đổi cách quản lý cán bộ, công chức sau khi sắp xếp bộ máy: “Tinh gọn bộ máy là giữ lại các công viên chức người lao động có năng lực, làm việc hiệu quả, vậy nên cũng cần thay đổi cách quản lý đánh giá theo hiệu quả công việc chứ không phải theo giờ hành chính đủ 8 tiếng/ngày, tránh tình trạng 'sáng cắp ô đi tối cắp về' đến cơ quan uống trà cả buổi, tốn tiền điện nước”.
“Công nghệ phát triển rồi, giờ việc gì có thể làm online được thì nên cho phép làm từ xa, như vậy mới càng đồng bộ và khuyến khích người dân làm các thủ tục hành chính online”, bạn Nguyễn Hải Đăng Quân và Trần Hải Tuyên có chung nhận định.
Trong khi đó, thực tế mô hình làm việc từ xa không phải mới - anh Vượng dẫn chứng “thời Covid, nhiều doanh nghiệp cho nhân viên làm online mà kết quả công việc vẫn đảm bảo”.
Chia sẻ với những khó khăn, áp lực lớn hơn về công việc đối với công chức sau khi sáp nhập tỉnh, xã, bạn Nguyễn Nguyên đề xuất “đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu quốc gia, thì nên tạo điều kiện cho công chức làm việc được thoải mái, bớt căng thẳng trong quá trình làm việc”.
Hiệu quả và niềm tin của nhân dân mới là quan trọng, còn hình thức làm việc thì nên chú trọng gọn, linh hoạt, minh bạch - độc giả này kết luận.

Đề xuất cho công chức làm việc từ xa, tăng chế độ nghỉ phép

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ ngạch công chức thay bằng vị trí việc làm
