Cơ quan thuế livestream đối thoại với người nộp thuế
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Bình Định, từ khi ra mắt vào tháng 5/2022, cổng giao tiếp của cơ quan thuế này đã có gần 1,17 triệu lượt truy cập (tính tới tháng 11/2023). Như vậy, có bình quân gần 69.000 lượt truy cập/tháng, trong khi cả tỉnh có khoảng 11.000 doanh nghiệp. Đáng chú ý, có đến 98,4% lượt truy cập đánh giá hài lòng, rất hài lòng với hệ sinh thái hỗ trợ của Cục Thuế tỉnh Bình Định.
Kết quả trên có được nhờ vào việc tăng độ “mở” của đơn vị thuế với người nộp thuế trên địa bàn. Cùng với đó, tại chuyên mục “Hỗ trợ 24/7” trên cổng giao tiếp, Cục đã chuyển toàn bộ việc tiếp nhận, trả lời chính sách thuế lên môi trường điện tử để giải quyết. Hiện, toàn ngành tiếp nhận và giải đáp trung bình 120 câu hỏi, vướng mắc của người nộp thuế/tháng.
Ngoài ra, Fanpage trên mạng xã hội Facebook của Cục Thuế Bình Định hiện đang có hơn 8.300 người theo dõi, nhận được nhiều bình luận tích cực từ phía người nộp thuế, minh chứng cho hiệu quả và giá trị mang lại.
Theo ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, Cổng giao tiếp điện tử giữa cơ quan thuế tỉnh và người nộp thuế là chìa khóa vận hành hai nguyên tắc: “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” và “Tăng cường công khai để thúc đẩy tinh thần thuế”.
Bên cạnh đó, việc mở rộng không gian kết nối thông tin qua Cổng giao tiếp điện tử và các trang mạng xã hội đã giúp Cục Thuế Bình Định:
-Hỗ trợ chính sách thuế hiệu quả
-Hỗ trợ giải đáp vướng mắc “online 24/7” cho người nộp thuế (thay cho văn bản giấy nặng tính thủ tục hành chính) và đối thoại trực tuyến với người nộp thuế bằng hình thức livestream.
-Giúp cơ quan thuế điều chỉnh nhận thức, hành vi của người nộp thuế thông qua việc công khai tối đa các rủi ro sai phạm trong khai thuế, sử dụng hóa đơn… bằng các tin cảnh báo theo từng lĩnh vực để người nộp thuế biết, chấn chỉnh kịp thời và phòng ngừa về sau.
-Thu hút phản biện xã hội bằng việc minh bạch tình hình chấp hành pháp luật thuế, mức độ đóng góp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo từng lĩnh vực, ngành hàng
Dẫn chứng đáng chú ý tại chuyên mục “Công khai” của “Cổng giao tiếp điện tử”, thông qua thông tin công khai bảng giá chuyển nhượng bất động sản, bảng giá ô tô xe máy của các hãng… đã góp phần tăng thu qua quản lý thuế đối với chuyển nhượng bất động sản.
7 tháng thực hiện năm 2022 đã tăng thu thuế thu nhập cá nhân là 138,5 tỷ đồng; lệ phí trước bạ tăng 34,5 tỷ đồng. Qua 10 tháng thực hiện năm 2023 đã tăng thu 67,2 tỷ đồng, riêng Chi cục thuế TP. Quy Nhơn đã tăng thu 44,2 tỷ đồng.
Cơ quan thuế tự làm 22 ứng dụng phần mềm
Cũng theo ông Đẩu, với xu thế chuyển đổi số hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế thay cho thao tác thủ công trở thành tất yếu. Do vậy, Cục Thuế Bình Định đã tạo nên một hệ sinh thái các ứng dụng công nghệ thông tin làm nền tảng để vận hành mô hình quản lý thuế mới - “Mô hình quản lý thuế định hướng mở bằng công nghệ”.
Từ năm 2020 đến nay, ngoài các ứng dụng Tổng cục Thuế đang vận hành, Cục Thuế tỉnh đã tự xây dựng và triển khai 22 ứng dụng phục vụ các mặt công tác quản lý thuế và quản trị nội ngành. Trong đó, có 16 ứng dụng giúp Cục bao quát tất cả các chức năng, nguồn thu và lĩnh vực quản lý và 6 ứng dụng làm tăng tính công bằng, minh bạch, bình đẳng trong nội bộ (công khai các mặt công tác từ tài chính, tổ chức cán bộ, đào tạo, kiểm tra sau đào tạo, đặc biệt là ứng dụng giám sát phiếu nhận xét của doanh nghiệp qua công tác kiểm tra, thanh tra).
Các ứng dụng trên được chia thành các nhóm:
-Nhóm ứng dụng phục vụ công tác tuyên truyền, hỗ trợ: Cổng giao tiếp điện tử, Cổng thông tin điện tử và các trang mạng xã hội: Zalo, fanpage Facebook, YouTube…
-Nhóm ứng dụng thanh tra, kiểm tra, quản lý hóa đơn, kê khai, hoàn thuế: Tổng hợp, giám sát hồ sơ khai thuế (QGS), Quản lý rủi ro hồ sơ khai thuế (QRR), Giám sát sử dụng hóa đơn (QHD), Theo dõi chỉ số xăng dầu (QLXD)…
-Nhóm ứng dụng quản lý hộ kinh doanh, tiền thuê đất, khai thác khoáng sản: ứng dụng Quản lý hộ, cá nhân kinh doanh (QCN), Quản lý các khoản thu đất đai (QPNN), Quản lý tiền thuê đất (QLTTĐ), Quản lý khai thác các nguồn thu (QKTNT), Bản đồ số Hộ kinh doanh (http://biditaxmap.vn), Bản đồ số Mỏ khoáng sản (http://ks.biditaxmap.vn),...
Với các ứng dụng, cơ quan thuế Bình Định đã kết nối đồng bộ các khoản thu có mối liên kết với nhau như: thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
-Nhóm ứng dụng theo chức năng: ứng dụng Theo dõi công tác dự toán (QDT); Quản lý nợ: ứng dụng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (QLN)…
-Nhóm ứng dụng quản lý nội ngành
“Với hệ sinh thái ứng dụng đang có, Cục Thuế Bình Định đang là một trong những cơ quan thuế đi đầu trong việc tự thân xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin. Chúng tôi có đóng góp 5/19 ứng dụng đang áp dụng trong toàn ngành thuế cả nước”, vị Cục trưởng Thuế cho hay.
Trần Chung - Diễm Phúc