Pocketalk, công ty công nghệ Nhật Bản vừa ra mắt dịch vụ phiên dịch chạy trên nền web, có khả năng xử lý nhiều ngôn ngữ khác nhau trong thời gian gần như ngay lập tức và hiển thị trên màn hình mà không cần đợi người nói tạm dừng.
Theo công ty trụ sở Tokyo, phần mềm AI này có khả năng làm việc nhanh tương đương một thông dịch viên dịch song song. Hệ thống có thể giúp các doanh nghiệp phục vụ khách du lịch quốc tế, cũng như các sự kiện hội nghị và hoàn cảnh khác.
Công cụ này được cho là mạnh mẽ hơn Google Translate và Microsoft Translator, vốn được thiết kế chủ yếu để xử lý các cuộc hội thoại ngắn. Do phải đợi người nói bắt đầu và kết thúc câu, các trình dịch truyền thống có thể mất gấp đôi thời gian để phiên dịch.
Trong khi đó, với dịch vụ mới vừa ra mắt, Pocketalk đã nghiên cứu cách phiên dịch con người xử lý thông tin để tối ưu hoá khả năng của AI. Từ đó, phần mềm hoàn toàn có thể giải thích từ ngữ trong một hoặc hai giây.
Với đoạn hội thoại khoảng 20 giây, dịch vụ sẽ tự động diễn giải một phần thông tin, nếu hệ thống nhận thấy đang chậm hơn tốc độ trò chuyện, máy học sẽ chuyển sang tóm tắt ý chính để bắt kịp câu chuyện.
Ra mắt vào tháng 11, dịch vụ dựa trên đám mây của Pocketalk có khả năng làm việc với 10 ngôn ngữ khác nhau. Hiện công nghệ đang được cung cấp dưới dạng có phí hàng tháng (3.300 Yên) hoặc mỗi năm (39.600 Yên).
Các khách hàng không cần cài đặt phần mềm. Họ chỉ cần truy cập địa chỉ website chuyên dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để sử dụng dịch vụ.
Công ty cho biết sẽ phát hành thiết bị chuyên dụng vào đầu năm sau để sử dụng dễ dàng hơn tại nhà hàng và khách sạn. Thiết bị sẽ tương đương kích thước máy tính bảng, có thêm tính năng nhận dạng ngôn ngữ đang nói và dịch hội thoại hai chiều.
Ngành du lịch Nhật Bản đang ghi nhận sự bùng nổ sau đại dịch. Theo Nikkei, hành khách đến trên các chuyến bay quốc tế tại sân bay Narita gần Tokyo đạt 8,04 triệu trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9, tăng gấp 7 lần và phục hồi 87% so với cùng kỳ năm 2019.
Luyện hội thoại tiếng Anh cùng chatbot
Ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo đã bắt đầu hợp tác với OpenAI kể từ trước khi startup Mỹ ra mắt ChatGPT, để tận dụng sức mạnh của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Nền tảng này đang triển khai AI sinh tạo hỗ trợ người học luyện tập hội thoại cùng chatbot.
Theo một số liệu từ Nikkei, số người dùng của Duolingo tại Indonesia đã tăng 6 lần kể từ năm 2020 và tăng 5 lần ở thị trường Thái Lan và Việt Nam.
Duolingo cho biết Việt Nam nằm trong số top ba thị trường toàn cầu của công ty, tính trên số người dùng mới hàng ngày, đồng thời có nhiều người học tiếng Anh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, song không cho biết số liệu cụ thể.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh về công nghệ giáo dục trong khu vực Đông Nam Á cũng đang tích hợp AI vào chương trình đào tạo của mình. Một số startup như Elsa và Yola, tập trung vào thị trường ngôn ngữ ở Việt Nam, trong khi startup bản địa như Wordsmine, nói rằng phần mềm của họ được tuỳ biến cho người dùng địa phương, có khả năng “tự phát hiện những chủ đề mà người dùng chưa giỏi để nhắc nhở luyện tập”.
Statista ước tính thị trường giáo dục trực tuyến Đông Nam Á ước đạt 1,8 tỷ USD trong năm nay. Duolingo đã có 13 triệu lượt tải xuống vào tháng 2, nhiều nhất đối với các ứng dụng ngôn ngữ trên toàn cầu, trong khi Ockypocky của Ấn Độ có 2,2 triệu người và Elsa có 814.000 lượt.