Một sĩ quan Ukraine được triển khai tới miền Đông Ukraine, có tài khoản mạng xã hội với tên gọi Tatarigami, cho biết, xu hướng này đã được ghi nhận trong thời gian gần đây khi phía Kiev thu được những chiếc chăn như vậy tại khu vực gần Avdiivka, phía bắc thành phố lớn Donetsk ở miền Đông Ukraine.
Chăn giữ nhiệt “qua mặt” máy quét hồng ngoại
“Theo thông tin do binh sĩ của chúng tôi cung cấp, các nhóm biệt kích Nga (DRG) được cho là đang sử dụng những chiếc chăn/áo khoác chống nhiệt này để tránh bị máy ảnh nhiệt và máy bay không người lái phát hiện,” sĩ quan này viết trên Twitter. “Một video được xuất bản trước đây trên kênh Telegram của Nga được cho là đã chứng minh tính hiệu quả của sản phẩm, cho thấy cách một người lính có thể không bị phát hiện dưới tấm chăn chống nhiệt.”
Đây không phải lần đầu tiên những chiếc chăn giữ nhiệt được sử dụng trên chiến trường. Trước đó, lực lượng Taliban ở Afghanistan cũng dùng vật dụng này để né tránh máy quét nhiệt của NATO.
Các tình nguyện viên tham gia cuộc chiến tại Ukraine cũng từng yêu cầu cung cấp những chiếc chăn như vậy để giúp nâng cao khả năng nguỵ trang của quân nhân. Một nhà phát minh người Ukraine thậm chí đã được cấp bằng sáng chế cho một chiếc áo choàng giấu nhiệt (IR-masking-cloak).
Một số chăn hay lều phủ cách nhiệt đang bán công khai trên thị trường cũng được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bị phát hiện bởi máy tầm nhiệt. Song, chúng có nhược điểm là phần viền vẫn bị lốm đốm khi soi trên máy quét. Dù vậy, kết quả vẫn tốt hơn nhiều so với cơ thể con người mặc quần áo thông thường và trên thực địa không dễ để phát hiện ra sự khác biệt khi không gian quét rộng lớn.
“Mylar”- chất liệu có tên thương mại là Melinex hay Hostaphan và thuật ngữ khoa học BoPET, thường được đánh giá cao nhất về khả năng ngăn ngừa thất thoát nhiệt. Những tấm chăn sản xuất từ vật liệu này thường được cung cấp cho người dân tị nạn ở Ukraine nói riêng và những nơi khác nói chung. Với tỷ lệ phản xạ lên đến 97% lượng nhiệt bức xạ, “Mylar” có khả năng che chắn khỏi tầm nhìn hồng ngoại.
Thúc đẩy phát triển công nghệ nguỵ trang nhiệt
Giới quân sự phương Tây nhận định, cuộc chiến với Ukraine đã làm sáng tỏ điểm yếu được biết đến từ lâu trong quân đội Nga - đó là sự thiếu hụt các thiết bị hồng ngoại phục vụ cho tác chiến trong đêm, hoặc nếu có, thì những trang bị này có chất lượng thấp hơn so với những thiết bị Mỹ và đồng minh đang sử dụng.
Ví dụ, cho đến gần đây, những chiếc xe tăng hiện đại nhất của Nga vẫn dựa vào Catherine FC - thiết bị quan sát hồng ngoại do công ty Thales của Pháp sản xuất. Kể từ năm 2014, Moscow đã không thể nhập khẩu mặt hàng này do lệnh cấm vận. Do đó, Nga phải bắt đầu lắp ráp thiết bị của riêng mình trong bối cảnh nguồn cung linh kiện bị thắt chặt đáng kể do các lệnh trừng phạt. Một số phương tiện cũ của Nga vẫn dựa vào đèn rọi hồng ngoại chủ động - công nghệ khiến người dùng dễ dàng bị phát hiện.
Trong khi đó, Ukraine nhận được các lô hàng kính nhìn đêm từ trước khi cuộc xung đột này nổ ra. Bởi vậy, quân đội nước này đã thể hiện lợi thế tổng thể trong chiến đấu ban đêm, mặc dù họ cũng cần nhiều hệ thống tương tự hơn. Những thiết bị như vậy có thể cực kỳ hiệu quả trong việc phát hiện quân đội và phương tiện được che giấu.
Dù vậy, theo Tatarigami, những chiếc chăn giữ nhiệt vẫn tạo ra mối đe doạ tiềm ẩn trên chiến trường hiện đại. “Chúng tôi không chắc về việc đối phương phân phát những chiếc chăn/áo khoác chống nhiệt này trên quy mô lớn. Nhưng ngay cả khi chúng chỉ được sử dụng trong một số nhóm nhỏ hoặc đội bắn tỉa, thì vẫn tạo ra sự nguy hiểm đáng kể”.
Cuộc chiến tại Ukraine cho thấy, những cảm biến nhiệt ngày càng trở nên phổ biến, có thể khiến quân đội các nước phải đánh giá hệ thống lại công nghệ nguỵ trang nhiệt cá nhân để tích hợp cùng các biện pháp nguỵ trang quang học khác trong tương lai.
(Theo PopMech)