Bị khách hàng nước ngoài dìm giá vì chất lượng không ổn định
“Việt Nam sản xuất khoảng 2.000 tấn tinh dầu quế/năm, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô, tầm 80% bán cho Trung Quốc, còn số lượng xuất đi châu Âu, Mỹ… thực ra chẳng đáng bao nhiêu. Nâng cao chất lượng sản phẩm tinh dầu chế biến sâu là một trong những việc tiên quyết phải làm để tăng giá trị cho tinh dầu quế Việt Nam xuất khẩu”, ông Bù Ngọc San, Giám đốc Công ty Quế Sơn Hải (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), nêu thực trạng đáng quan ngại tại Lễ hội tinh dầu vừa diễn ra ở Hà Nội.
Ông Khuất Văn Khôi Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tinh dầu thiên nhiên Hà Nội dẫn số liệu so sánh kém vui: “SriLanka bán tinh dầu rất được giá, 1 cân tinh dầu của họ bán tới 7 – 8 triệu đồng, trong khi quế lá của Việt Nam sau tinh chế chỉ bán được 400 – 500 nghìn đồng, còn quế thô chỉ dưới 400 nghìn thôi”.
“Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp Việt, công nghệ thanh trùng sản phẩm từ vỏ quế còn lạc hậu, sử dụng kỹ thuật thanh trùng theo mẻ, dùng trực tiếp nước sôi tiếp xúc vỏ quế nên hiệu quả diệt vi sinh vật chưa cao, thời gian thanh trùng dài, gây tổn thất nhiều tinh dầu, đồng thời ảnh hưởng đến màu sắc của sản phẩm, khó đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thuật, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm phản ánh.
Ông Trần Bình Duyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu – Hương liệu – Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) cung cấp thông tin tổng quan: Hàng năm, lượng tinh dầu quế sản xuất của Việt Nam khá lớn, tổng hợp các địa phương lên đến hàng ngàn tấn, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á…
“Để xuất khẩu được tinh dầu quế ra thị trường nước ngoài thì việc đầu tiên đòi hỏi chất lượng phải rất đồng đều, ổn định. Tuy nhiên, mỗi địa phương, lò cất của chúng ta lại cho ra những sản phẩm tinh dầu khác hẳn nhau, nơi cất bằng lá, nơi cất bằng cành nhỏ hoặc vỏ chất lượng thấp hơn. Các doanh nghiệp ở địa phương chưa đảm bảo yếu tố đơn hương trong tinh dầu đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng. Chính vì vậy cho nên ảnh hưởng rất lớn đến giá cả, thường bị khách hàng nước ngoài dìm giá”, ông Duyên phân tích.
Tiến sĩ Bùi Thị Bích Ngọc, Viện Công nghiệp thực phẩm nhìn nhận: Khoảng 10 năm trở lại đây, hàng loạt cơ sở chưng cất tinh dầu đã được xây dựng và đưa vào sản xuất tại hai vùng nguyên liệu chính là Yên Bái, Lào Cai, công suất khoảng 50 tấn nguyên liệu/ngày. Dây chuyền thiết bị cho chưng cất ngày càng được cải tiến, chủ yếu được sản xuất trong nước (trừ bộ phận làm lạnh và ngưng tụ được nhập khẩu từ Trung Quốc), nhưng nhìn chung chưa thật đồng bộ, chưa đạt trình độ tiên tiến so với khu vực và thế giới, đặc biệt là thiết bị nghiền nguyên liệu, thiết bị phân ly…
“Công nghệ chưng cất tinh dầu quế dần được hoàn thiện nhưng vẫn ở trình độ khiêm tốn, chưa được nhà sản xuất thật sự coi trọng. Chất lượng tinh dầu không cao, hàm lượng Cinnamaldehyde thấp (70 – 78%), trong khi hàm lượng Coumarin quá cao (2 – 5%) nên khó xuất khẩu theo đường chính ngạch, giá thành tinh dầu thấp và luôn bị ép giá”, Tiến sĩ Ngọc nêu quan điểm.
Là “người trong cuộc”, ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Triều Dương (Lào Cai) thẳng thắn chia sẻ, công nghệ chế biến, sản xuất tinh dầu của công ty là chưng cất cuốn hơi nước, sử dụng lò hơi riêng. Công nghệ này xử lý được khối lượng nguyên liệu lớn, thời gian nhanh, sử dụng bã quế để đốt lò hơi, giảm chi phí sản xuất. Nhưng nhược điểm cồng kểnh, chưa tối ưu được quá trình xử lý nguyên liệu đầu vào dẫn đến hiệu suất chiết xuất đầu ra chưa ổn định.
Cũng theo ông Thắng, những năm gần đây, giá tinh dầu thô của Việt Nam mỗi năm đều giảm, hiện đã giảm xuống ½ so với thời đỉnh cao. Khá nhiều cơ sở sản xuất cầm chừng, bị thua lỗ hoặc dừng sản xuất. Đây là “bài toán” cần giải quyết trong thời gian tới.
Quy định vô lý, cần tháo gỡ nhanh
Ông Trần Bình Duyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu – Hương liệu – Mỹ phẩm Việt Nam phản ánh một “nút thắt” khác: Gần 2 năm nay, hoạt động xuất khẩu tinh dầu quế gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý của các bộ, ngành.
Cụ thể, Thông tư số 48 năm 2018 của Bộ Y tế có quy định, tinh dầu quế và một số tinh dầu, dược liệu, cây cỏ khác cũng là dược liệu để làm thuốc, vì thế nên quá trình sản xuất, kinh doanh xuất khẩu phải theo các quy chế của ngành Y tế. Nguyên liệu làm thuốc thì phải kinh doanh có điều kiện, kho phải đảm bảo tiêu chuẩn GSP, cơ sở sản xuất cũng phải đảm bảo đủ điều kiện. Quy định này gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất ở tỉnh miền núi, ngoài ngành y tế, gây ách tắc trong lưu thông xuất khẩu tinh dầu quế.
Giữa các ngành Hải quan, Y tế, Công Thương cũng chưa thống nhất được với nhau những cơ chế quản lý thực sự cần thiết để khai thác, lưu thông xuất khẩu tinh dầu quế.
“Ngày 15/4/2024, Bộ Y tế đã triệu tập cuộc họp với các ngành Y tế, Hải quan, Công thương, Nông nghiệp và một số địa phương như Yên Bái, Lào Cai… nhằm thống nhất quản lý và tạo điều kiện xuất khẩu tinh dầu quế ra nước ngoài. Nhưng hiện vẫn chưa có văn bản chỉ đạo lại. Hy vọng trong tháng 5/2024 sẽ có chỉ đạo hợp lý hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất khẩu tinh dầu quế cũng như một số loại tinh dầu khác”, ông Duyên bày tỏ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thuật gay gắt: “Tinh dầu quế lại xem như dược liệu. Là chuyên gia tinh dầu, tôi không chấp nhận điều này. Nếu được, tôi sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ lẽ phải. Quế được coi như một loại cây xóa đói giảm nghèo, thường gắn với đời sống của bà con dân tộc miền núi. Mong các hiệp hội có tiếng nói để giải cứu, tháo gỡ nhanh. Để chuyện vô lý đó xảy ra rất buồn cười”.
“Tinh dầu thuộc nhóm ngành sản phẩm nông nghiệp, thế nhưng lại thuộc quy định của Bộ Y tế về sản phẩm y dược cổ truyền. Bộ Y tế đã có tháo gỡ khó khăn trước mắt cho hoạt động xuất khẩu tinh dầu quế. Tuy nhiên, về lâu dài, phải sửa thông tư và các quy định liên quan”, ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty Triều Dương đề xuất.
Liên quan bất cập pháp lý trong xuất khẩu và kinh doanh tinh dầu, ông Thắng nêu thêm một vấn đề nữa: Tinh dầu xuất khẩu khoảng 2.000 tấn/năm, nhưng sau chế biến sâu chỉ còn khoảng 1.000 tấn/năm. Số lượng không lớn. Song theo quy định hiện nay của Bộ Công Thương, tinh dầu quế sau chế biến sâu lại thuộc danh mục công trình cấp 1, muốn hoạt động sản xuất kinh doanh phải được Bộ Công Thương cấp phép. Bất kể quy mô chiết xuất tinh dầu, 50kg hay 100kg cũng thuộc công trình cấp 1. Quy định này khiến các doanh nghiệp về tinh dầu còn rất non trẻ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề chi phí tuân thủ.
“Công ty chúng tôi cũng đang làm chế biến sâu tinh dầu, hơn 1 năm rồi, thủ tục vẫn còn đang vướng rất nhiều”, ông Thắng băn khoăn.
“Do bị vướng những quy định pháp lý của Nhà nước nên đang tồn đọng tới hơn 1.000 tấn tinh dầu chưa xuất khẩu được, ảnh hưởng lớn đến nhà sản xuất và người dân trồng quế. Cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, sự giúp sức của các hội ngành nghề như: Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học công nghệ (VST), Hiệp hội Tinh dầu – Hương liệu – Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA), Hội Các sản phẩm thiên nhiên… để tháo gỡ vướng mắc cho tinh dầu quế có thể xuất khẩu trở lại bình thường. Về lâu dài, cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bố trí đầy đủ nhân sự tại các đơn vị sản xuất tinh dầu quế, đáp ứng tốt các quy định của Nhà nước, đảm bảo cho việc phát triển bền vững sản phẩm tinh dầu quế và các sản phẩm chế biến sâu từ tinh dầu quế”, Tiến sĩ Bùi Thị Bích Ngọc khuyến nghị.
Nhiều việc cần làm để tinh dầu quế Việt Nam vươn tầm quốc tế
Ngành tinh dầu quế có tiềm năng phát triển lớn, bởi nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới rất cao, luôn ở mức cung không đủ cầu, do cây quế chỉ trồng phổ biến ở một vài nước châu Á.
Với tổng diện tích trồng quế khoảng 180.000 ha, Việt Nam trở thành nước có diện tích quế lớn nhất thế giới; chiếm khoảng 50% tổng sản lượng tinh dầu thế giới.
Việt Nam cũng vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế, năm 2023 chiếm khoảng 34,4% thị phần thương mại quế toàn cầu, với các thị trường tiêu thụ chính là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Mỹ…
Trên sàn thương mại diện tử Alibaba, Việt Nam có số lượng gian hàng bán sản phẩm quế nhiều thứ hai với 87 gian hàng. Vị trí “quán quân” thuộc về Trung Quốc - 175 gian hàng. Thứ ba là Ấn Độ - 47 gian hàng, rồi kế tiếp tới Indonesia (21), SriLanka…
“Sản phẩm Việt Nam có lợi thế trên sàn. Thậm chí doanh nghiệp Trung Quốc vẫn lấy nguồn quế của Việt Nam để sản xuất, bán trên sàn thương mại điện tử Alibaba. Các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn khá tốt, có thể xuất khẩu nhiều đơn hàng ra nước ngoài, hỗ trợ cho rất nhiều bà con tiêu thụ sản phẩm quế”, đại diện Alibaba nêu tín hiệu tích cực.
“Hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam với các cường quốc, quế Việt Nam có thuận lợi lớn để vươn tới các thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là Mỹ và Ấn Độ”, Tiến sĩ Bùi Quang Thuật đánh giá cơ hội trong thời gian tới của tinh dầu quế xuất khẩu.
Mặc dù thế, với hai “nút thắt” lớn về công nghệ và cơ chế như đã nêu trên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cùng chung nhận định: Sản lượng xuất khẩu tinh dầu quế của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thương hiệu còn yếu, thị phần chưa bền vững, tinh dầu quế Việt Nam chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Thách thức còn rất nhiều, theo quan điểm của Tiến sĩ Bùi Quang Thuật: Tỷ lệ vùng nguyên liệu hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP còn thấp, nên khó thâm nhập thị trường khó tính; Doanh nghiệp và người trồng quế chưa thực hiện hoặc chưa tuân thủ quản lý chất lượng quế theo chuỗi giá trị sản phẩm quế; Việt Nam chưa có quy hoạch quốc gia tổng thể cho phát triển quế; Thị trường thế giới cạnh tranh khốc liệt…
“Quy định kiểm soát của các nước nhập khẩu quế ngày càng khắt khe và chặt chẽ về thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, tiêu chuẩn vi sinh vật, hàm lượng kim loại nặng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ rừng… Trong khi đó, khả năng tiếp cận thông tin thị trường của doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế. Thông tin về các loại hóa chất bị cấm trong gia vị, tôi là chuyên gia đọc cũng thấy mệt. Cần phải có chuyên gia hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Thuật lưu ý thêm.
Nhiều năm triển khai hoạt động xuất khẩu quế sang Mỹ, châu Âu. Trung Quốc, Ấn Độ…, ông Khuất Văn Khôi Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tinh dầu thiên nhiên Hà Nội đánh giá rất cao tầm quan trọng của việc nghiên cứu cây trồng để nâng cao giá trị cây trồng: “Tôi từng đọc bài báo của Indonesia nghiên cứu rất nghiêm túc về giống quế, thời gian trồng, định lượng hoạt chất sau 5 năm, 10 năm, 20 năm… Họ nghiên cứu rất bài bản về sản phẩm cũng như đối tượng khách hàng”.
Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Quang Thuật không khỏi trăn trở khi vai trò của khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất và phân phối tinh dầu quế còn mờ nhạt, chưa thật hiệu quả. Doanh nghiệp chưa thật sự đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các nhà khoa học chưa thật quan tâm, chưa có những nghiên cứu sâu, dài hơn và toàn diện về sản xuất và các sản phẩm tinh dầu quế.
“Quế quan đưa được vào châu Âu rất nhiều mặc dù chất lượng không phải hơn hẳn quế Việt Nam ta. Tôi tìm hiểu thì thấy các công trình nghiên cứu về an toàn thực phẩm của quế quan rất toàn diện, giúp người tiêu dùng, nhất là người giàu, yên tâm về hàng xuất khẩu”, ông Thuật gợi mở vấn đề cho các nhà khoa học Việt Nam.
Giám đốc Vũ Văn Thắng cũng nêu một loạt khuyến nghị: Ngành tinh dầu non trẻ, phải tập hợp được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, kết hợp với doanh nghiệp, để tối ưu hóa được quy trình, áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất chiết xuất cũng như hiệu quả tiêu thụ. Phải hoàn thiện công nghệ chế biến sâu tinh dầu, xử lý toàn bộ chuỗi các sản phẩm từ tinh dầu có thể tách ra để nâng cao giá trị, kể cả phần độc trong tinh dầu nếu tách ra được cũng hoàn toàn có thể bán giá rất cao.
Đặc biệt, “cần quy hoạch các cơ sở chế biến, kể cả cơ sở chế biến tinh dầu thô và chế biến sâu tinh dầu để đảm bảo chúng ta không giẫm chân vào nhau, không tự cạnh tranh lẫn nhau trước khi có thể cạnh tranh với đối thủ nước ngoài”, ông Thắng nói.
Trong số khoảng 300 loài quế của thế giới, 4 loài có sản phẩm được lưu thông nhiều nhất trên thị trường quốc tế gồm: Quế quan/ Quế xây lan, Quế bì/ Quế Trung Quốc, Quế thanh/ Quế Việt Nam, và Quế rành. Quế quan được xem là loại quế có chất lượng tốt nhất, chiếm 90% thị phần EU, một thị trường rất khó tính. |