Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ. Từ một đất nước nổi tiếng về các loại ô tô kém chất lượng, sao chép và giá rẻ, gần như không có một vị thế nào trên bản đồ ô tô thế giới, thì giờ đây, họ đang trở thành một thế lực mới, thách thức vị thế của hàng loạt các ông lớn về xe hơi từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu hay Hàn Quốc.
Hãng xe đầu tiên và nền tảng ô tô Trung Quốc thế kỷ XX
Năm 1953, với sự giúp đỡ của chính quyền Liên Xô, Nhà máy Ô tô Đệ Nhất (First Automobile Works – FAW) được thành lập. Đây là nhà sản xuất ô tô đầu tiên tại Trung Quốc, đặt nền móng vững chắc và quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô hiện đại của Trung Quốc ngày nay.
Năm 1956, dây chuyền sản xuất xe vận tải Giải phóng bắt đầu được FAW đưa vào vận hành với 1.600 chiếc đầu tiên được chế tạo. Năm 1958, FAW bắt đầu đưa vào sản xuất mẫu xe limousine Hồng Kỳ - Hongqi với số lượng hạn chế nhằm phục vụ cho các quan chức cấp cao trong Đảng và Chính phủ. Đây cũng chính là khởi đầu của nhà sản xuất Hồng Kỳ, công ty sản xuất xe sang số 1 Trung Quốc hiện tại.
Năm 1978, Mỹ - Trung bình thường hóa quan hệ và Trung Quốc bước vào thời kỳ hội nhập, cải cách và mở cửa, đón nhận những sự hợp tác lớn từ phương Tây. Đây là sự “mở xích” đối với ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Chỉ trong vòng 6 năm, số lượng nhà máy sản xuất ô tô tại Trung Quốc đã tăng từ 55 vào năm 1979 lên con số 114 nhà máy vào năm 1985. Những bước phát triển thần tốc này là một nền tảng vững chắc cho ô tô Trung Quốc chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI đầy cơ hội.
Hội nhập quốc tế, ô tô Trung Quốc vươn lên số 1 thế giới
Năm 2001, Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ đây, ngành công nghiệp ô tô nước này bước vào thời kỳ bùng nổ. Góp mặt vào bước tăng trưởng ngoạn mục, ngoài hãng Hồng Kỳ, phải kể đến những ông lớn ô tô hàng đầu của nước này.
Năm 1997, Tập đoàn ô tô Chery được thành lập tại Trung Quốc. Năm 2001, công ty đã dẫn đầu xu thế “xuất ngoại” khi lần đầu tiên đưa các loại ô tô dân dụng mang nhãn hiệu “Made in China” xuất khẩu ra các thị trường quốc tế. Sau 2 thập kỉ, năm 2022, theo báo cáo doanh số của Chery, công ty đã đạt sản lượng 1,2 triệu chiếc ô tô, trong đó 451.337 chiếc được xuất khẩu ra nước ngoài. Tháng 10/2023, doanh số sản xuất của Chery đã đạt tới 200.313 xe, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng đầu năm 2023, Chery bán tới 1.453.550 xe, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2005, công ty công nghệ pin BYD lần đầu tiên cho ra mắt mẫu ô tô đầu tiên của mình, chính thức chào sân tới thị trường xe hơi Trung Quốc. Chỉ sau 15 năm phát triển, tới đầu năm 2020, BYD đã bứt phá để trở thành một trong những công ty hàng đầu về xe điện tại Trung Quốc, doanh số liên tục tăng theo cấp số nhân.
Năm 2021, BYD được bán ra trên toàn cầu đạt gần 600.000 chiếc. Năm 2022, doanh số BYD đạt 1,86 triệu chiếc. Số liệu cập nhật gần đây nhất, tháng 10/2023, doanh số xe BYD đã đạt 301.833, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán hàng của BYD đã đạt 2,3 triệu chiếc, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. BYD - một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc lần đầu tiên đánh bại các hãng xe nước ngoài để trở thành hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc và suýt nữa vượt qua Tesla trong quý III/2023 để trở thành công ty xe điện lớn nhất toàn cầu.
Ngoài ra, các liên doanh ô tô Trung Quốc với nước ngoài được thành lập, hợp tác sâu rộng về khoa học công nghệ với chính các nhà sản xuất nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là các hãng ô tô Mỹ đã thúc đẩy công nghiệp ô tô nội địa thăng hạng liên tục. Câu chuyện thành công của liên doanh (SGMW) gồm General Motors (GM), SAIC (Tập đoàn ô tô Thượng Hải) và Wuling (Wuling Motors Liễu Châu) là một minh chứng rõ nét cho sự bắt tay này. Suốt từ năm 2020 tới nay, liên doanh này đã bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu trên 1,3 triệu xe Wuling HongGuang MiniEV, xác lập vị trí đứng đầu thế giới về xe điện mini hiện nay.
Về tổng quan toàn ngành, theo trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế CEIC cho biết, vào năm 1997, tổng sản lượng ô tô do Trung Quốc sản xuất chỉ đạt 1.579.699 chiếc. Nhưng tới năm 2017, 2 thập kỉ sau, sản lượng ô tô Trung Quốc sản xuất đã đạt mức cao kỉ lục với 29 triệu chiếc, tăng tới 18 lần. Trong 5 năm tiếp theo đó, do ảnh hưởng của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến tranh và đặc biệt là sự hoành hành của đại dịch Covid-19 khiến cho sản lượng sản xuất của ô tô Trung Quốc có sự sụt giảm, tuy nhiên vẫn duy trì ở trên mức 20 triệu chiếc.
Năm 2022, Trung Quốc cán mốc 27 triệu ô tô được sản xuất trong năm theo dữ liệu của CEIC và năm 2023, giới quan sát kỳ vọng ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang đứng trước cơ hội phá vỡ kỷ lục sản lượng cao nhất lịch sử từng lập được vào năm 2017.
Về xuất khẩu, năm 2022, Trung Quốc xuất khẩu 3,22 triệu ô tô, tăng 56,8% so với năm 2021. Nhờ đó, Trung Quốc đã vượt Đức trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ 2 trên thế giới. Trước đó năm 2021, Trung Quốc vượt Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ 3 trên thế giới.
Năm 2023, ngay từ quý I, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô số 1 thế giới. Trong 10 tháng qua, sản lượng xuất khẩu ô tô của nước này đã đạt 3,92 triệu chiếc, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm trước. Với đà này, ngôi vị là nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới của năm 2023 gần như chắc chắn thuộc về Trung Quốc.
Xe điện và công nghệ pin, chìa khóa thống trị công nghiệp ô tô thế giới
Vượt qua các cường quốc ô tô như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Nhật Bản, đất nước Trung Quốc đã thực sự trở thành một đế chế mới, thiết lập lại trật tự thứ hạng trong bản đồ ô tô toàn cầu. Chìa khóa của sự thành công ấn tượng này chính là xe điện và sự chủ động về chuỗi cung ứng, đặc biệt là linh kiện phụ tùng, pin xe cùng với chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ đối với người mua xe điện.
Kể từ giai đoạn 2012 – 2022, Bộ Công Thương Trung Quốc ban hành Nghị định ưu đãi mỗi người mua xe điện tại quốc gia này đều được nhận khoản tiền hoàn trả lên tới 8.300 đô la do chính phủ trợ cấp. Không những vậy, kể từ năm 2014, chính phủ cũng trợ thuế 10% giá trị xe điện đối với những người mua xe điện dưới 41.000 đô la cho tới tận năm 2025 và sẽ tiếp tục giữ mức trợ thuế 5% vào 2 năm sau đó.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tập trung đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng mạng lưới trạm sạc rộng khắp nhằm phục vụ xe điện có thể hoạt động một cách thuận tiện nhất. Tính tới tháng 5/2023, tờ The Nikkei của Nhật Bản ước tính, toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc có 6,36 triệu trạm sạc xe điện, chiếm tỉ lệ lớn nhất thế giới.
Tất nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng có sự trợ cấp dành cho các nhà sản xuất xe điện trong nước, khuyến khích các cơ quan, tổ chức chính quyền mua xe công vụ và công chức mua xe cá nhân là xe điện để bảo vệ môi trường.
Cùng đó, nhờ tự chủ được pin và các linh kiện phụ tùng khác, ô tô điện Trung Quốc có mức giá trung bình bằng một nửa so với mức giá trung bình của xe điện tại Hoa Kỳ hoặc châu Âu. Hai ông lớn về pin của Trung Quốc là CATL và BYD đang chiếm hơn một nửa thị phần thị trường pin thế giới và là đối tác chính cung cấp cho xe điện của nhiều hãng xe Mỹ và châu Âu. Nói cách khác, Trung Quốc nắm giữ tới 90% chuỗi cung ứng sản xuất xe điện.
Theo tờ China Project, trong năm 2022, Trung Quốc sản xuất tới 64% xe năng lượng xanh cho toàn thế giới, tương đương khoảng 6,7 triệu xe. Trong đó, hơn 5 triệu xe là các loại xe điện của các hãng xe thương hiệu Trung Quốc. Và vì thế, Trung Quốc trở thành nước sản xuất nhiều xe điện nhất. Vị trí thống lĩnh này cũng không thay đổi trong năm 2023. Theo trang Clean Technica, trong tháng 9/2023, có 8/10 mẫu xe năng lượng mới bán chạy nhất là các sản phẩm tới từ những thương hiệu Trung Quốc và chỉ có 2 đại diện của nhà sản xuất Tesla lọt vào danh sách này.
Có thể nói, bằng các chính sách đầu tư chiều sâu về công nghệ, “đi tắt, đón đầu” xu hướng và các ưu đãi đặc biệt của chính phủ, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc trong hơn 70 năm qua đã phát triển từ số 0 tròn trĩnh trở thành số 1 thế giới, vượt qua hàng loạt các cường quốc ô tô sừng sỏ như Nhật Bản, Mỹ, Anh hay Pháp, vốn đã có lịch sử trăm năm.
Không ít những hãng xe nổi tiếng của Trung Quốc đã và đang rất được đón nhận bởi người tiêu dùng toàn cầu như BYD, SGMW, Geely, GAC, FAW, Great Wall Motors. Những tập đoàn ô tô trăm năm tuổi ở Mỹ, châu Âu đang ngày càng "đuối" trước sự trỗi dậy các tập đoàn ô tô Trung Quốc.
Hùng Dũng