Vụ công ty cổ phần công nghệ Việt Á đang làm rung chuyển cả hệ thống chính trị Việt Nam. Số cán bộ, công chức lãnh đạo có liên quan bị bắt ngày càng nhiều và dường như chưa dừng lại, bởi chống dịch Covid-19 tỉnh nào chẳng phải mua kit test. Mới đây nhất là việc xử lý kỷ luật, bắt tạm giam Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch UBND TP Hà Nội vốn một thời là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ.
Không né tránh sự thật
Đại dịch Covid-19 hóa ra lại là ngọn lửa thử vàng đối với đội ngũ nhân viên y tế từ cấp trung ương đến cơ sở và sức thử của ngọn lửa này đã làm một loạt cán bộ, công chức lãnh đạo ngành y tế mờ mắt, gục ngã.
Và cũng vẫn đại dịch này với các chuyến bay giải cứu vốn đầy tính nhân đạo trong tư duy, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước lại dẫn đến những tiêu cực tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Có ai đó từng ước rằng giá cứ có vài sự kiện kiểu Covid-19 lướt qua tất cả các cơ quan công quyền Việt Nam để bộc lộ ra những kẻ lãnh đạo suy thoái, bất tài từ trước đến nay vẫn âm thầm trong bóng tối, chưa bị lộ. Thế mới biết không ai có thể nói trước cái gì. Lúc được giao trọng trách, vị nào cũng hứa hẹn hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Nhưng sểnh ra một cái là làm liều, là vô trách nhiệm, là tham nhũng.
Trước vụ Việt Á là một loạt vụ xử lý kỷ luật liên quan tới lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, cả sỹ quan cao cấp tướng tá lực lượng vũ trang, từ đảng viên thường tới cả ủy viên trung ương trong cả hệ thống chính trị.
Mai đây các cơ quan phụ trách nhân sự của Đảng và Nhà nước sẽ phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm từ các vụ kỷ luật một loạt cán bộ, công chức lãnh đạo ở trung ương và địa phương thời gian qua để từ đó bố trí cán bộ lãnh đạo trúng hơn, đúng hơn. Lý do phải kỷ luật cán bộ này cán bộ kia thường đề cập tới đạo đức, tư tưởng có vấn đề. Như trường hợp 2 ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long là đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước, vi phạm về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng…
Chắc chắn là suy thoái, là vi phạm rồi. Tuy nhiên, như vậy dường như vẫn thiêu thiếu cái gì đó. Cái gì đó cụ thể hơn, đời hơn và người hơn. Cái gì chi phối con người ta hành động như vậy? Cái gì vượt qua cả lương tâm, trách nhiệm của một ủy viên trung ương là bộ trưởng để họ hành động kiểu như vậy? Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, gọi đúng tên sự vật, hiện tượng, không vòng vo, né tránh. Không làm được điều này sẽ rất khó rút ra được cái gì đáng giá trong công tác cán bộ.
Vậy thì sự thật như thế nào, thực tiễn cán bộ lãnh đạo đang ra sao? Những cơ quan, những lĩnh vực nào đang dễ có nguy cơ sinh ra tiêu cực, tham nhũng nhất? Chí ít, nếu nhận diện được những vấn đề này thì việc xem xét, bố trí cán bộ lãnh đạo ở đây có thể sẽ khá hơn, ít gây ra tiêu cực, tham nhũng trong tương lai và đi kèm là những thay đổi trong cơ chế, thể chế quản lý có liên quan.
4 vấn đề cần nhận diện rõ
Vấn đề thứ nhất: Có chạy chức, chạy quyền trong các cơ quan thuộc hệ thống không? Nếu phủ nhận vấn đề này, đương nhiên khó có thể có giải pháp trúng trong bố trí cán bộ lãnh đạo. Nếu không phủ nhận thì tỉ lệ chạy chức, chạy quyền là bao nhiêu? Ý kiến chắc còn khác nhau, nhưng cứ lấy một con số để tham khảo, đó là nhiều người lên chức qua chạy chức, chạy quyền.
Các nhà điều tra xã hội học hãy vào từng cơ quan, về từng địa phương để khảo sát, điều tra xem có giá định trước cho chức vụ này, chức vụ kia hay không? Chỉ biết là ngoài xã hội cứ vanh vách muốn lên chức chủ tịch phường thì ngần này, giám đốc sở là thế kia, hiệu trưởng đại học thuộc bộ là thế nọ và cả các chức vụ cao hơn nữa. Giả sử rằng 10-20-30% các chức vụ lãnh đạo, quản lý có được là thông qua chạy chức, chạy quyền thì hậu quả đương nhiên sẽ ra sao?
Đã chạy là phải bỏ tiền ra đầu tư cho tương lai và do đó một khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo thì phải gặt hái trở lại để hoàn vốn và có lãi. Có lãi mới có tiền để hy vọng chạy tiếp chức cao hơn, ngon hơn! Đây là một trong các nguồn gốc chính sinh ra tiêu cực, tham nhũng, hối lộ trong hệ thống chính trị.
Tiền là một con số, con số này không có điểm dừng, mà cứ gia tăng qua năm tháng theo cuộc đời lãnh đạo cho đến khi hạ cánh an toàn hoặc bị phát hiện để rồi mất tất cả. Giữa hạ cánh an toàn và bị phát hiện, xử lý là cả một khoảng cách lớn, cái khoảng cách này vẫn đủ sức hấp dẫn con người ta hành động vì đồng tiền. Lâu nay vấn nạn này không phải là cái gì mới mẻ, nhưng chỉ được đề cập rất chung chung. Ừ, có đấy, nhưng có tí thôi, không ảnh hưởng tới đại cục. Hoặc là đa số biết, nhưng mặc nhiên thừa nhận ngầm như là một cách thăng quan tiến chức, ai vận dụng khéo thì hên, ai xui thì hỏng. Chừng nào còn chạy chức, chạy quyền, chừng đó còn tham nhũng, tiêu cực.
Vấn đề thứ hai: Có lên chức nhờ quan hệ họ hàng gia đình không? Chắc chắn là có. Hiện tượng này có vẻ phổ biến ở địa phương hơn so với ở trung ương. Nhìn từ thực tiễn cho thấy những cán bộ lãnh đạo lên nhờ quan hệ “hậu duệ“, nhờ quan hệ họ hàng ít bị kỷ luật, tức là ít dính tiêu cực, tham nhũng, hối lộ hơn so với những cán bộ lên lãnh đạo nhờ chạy chức, chạy quyền. Tại sao lại như vậy cần được nghiên cứu kỹ hơn. Hãy đi vào từng huyện, từng tỉnh và từng bộ để xem số người được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nhờ quan hệ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số lãnh đạo của từng cơ quan, đơn vị.
Vấn đề thứ ba: Liệu có địa bàn, lĩnh vực công tác dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng? 10 năm qua, số cán bộ lãnh đạo dính đến đất đai bị kỷ luật là khá nổi trội. Mà đất đai thì liên quan tới chính quyền từ xã trở lên đến huyện, tỉnh và trung ương. Tuy nhiên, số cán bộ lãnh đạo địa phương bị kỷ luật về đất đai vẫn nhiều hơn số cán bộ lãnh đạo ở trung ương.
Đấy là một ví dụ về địa bàn và lĩnh vực đất đai. Một ví dụ khác khá điển hình là mảng dược trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Trong vòng 20 năm vừa qua, 2 đời Cục trưởng Quản lý dược đều lên Thứ trưởng Y tế, đều dính kỷ luật, đấy là chưa kể một số công chức lãnh đạo khác của Cục này cũng bị xử lý kỷ luật.
Ngần ấy năm trời với những con người cụ thể bị xử lý đã đủ để rút ra cái gì đó khi tính người lãnh đạo của mảng công tác này? Hãy xem lại một cách khách quan quá trình và quy trình lên chức lãnh đạo từ Cục trưởng, rồi Thứ trưởng của 2 nhân vật liên quan này để xem có rút ra được gì hay không? Và một điều hiển nhiên là lĩnh vực công tác quản lý ngành dược tại Bộ Y tế sau 20 năm phải được liệt vào lĩnh vực công tác đặc biệt cần chú ý khi bố trí nhân sự lãnh đạo tại Cục Quản lý dược.
Hai lĩnh vực đất đai và quản lý dược là khá rõ, nhưng còn biết bao lĩnh vực công tác chưa bị lộ ra một cách chính thức để có những bài học kinh nghiệm tương ứng trong công tác cán bộ. Chúng ta quen với những nhận định chung là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất, thoái hóa về đạo đức, tư tưởng… Nhận định thì đúng, nhưng không giúp gì nhiều trong bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở những vị trí cụ thể.
Người đứng đầu từng cơ quan hành chính chắc chắn phải rõ nhất lĩnh vực công tác nào trong cơ quan mình đầy nhạy cảm, dễ làm cán bộ, công chức lãnh đạo sa ngã, tiêu cực. Thực tiễn cho thấy những công việc của các cơ quan nhà nước kiểu cấp phép, thẩm định, xét duyệt như cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng hoặc công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức như quy hoạch lãnh đạo, bổ nhiệm lãnh đạo, thi công chức, thi nâng ngạch… đều là những công việc rất dễ dẫn đến tiêu cực, vi phạm pháp luật. Người đứng đầu cơ quan biết rõ mà không hành động gì thì làm sao mà phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vấn đề thứ tư: Liệu có lợi ích nhóm trong các vụ việc tham nhũng, tiêu cực? Chắc chắn là có. Mấy ai có thể hoạt động một mình trong cả loạt các cơ quan liên quan, móc xích với nhau để trục lợi, kiếm tiền, tham nhũng…
Vụ Việt Á cũng là một vụ điển hình về lợi ích nhóm. Học viện Quân y thực hiện đề tài cấp quốc gia "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2020” vốn đã được ông Chu Ngọc Anh khi là Bộ trưởng KHCN phê duyệt vào tháng 2/2020.
Theo cơ quan điều tra, quá trình thực hiện đề tài này, một số lãnh đạo bộ, ngành đã có sai phạm trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá nghiệm thu, chuyển giao… Trục quan hệ giữa Việt Á, Bộ KHCN, Học viện Quân y, Bộ Y tế là khá rõ và đây cũng chính là trục lợi ích nhóm của một loạt cá nhân có chức vụ lãnh đạo, quản lý liên quan của các cơ quan này.
Một số biện pháp hữu hiệu
Từ mấy vấn đề vừa nêu dễ dàng suy ra một vài biện pháp hữu hiệu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị, cụ thể là:
- Chống triệt để chạy chức, chạy quyền;
- Chống triệt để lên lãnh đạo qua quan hệ họ hàng, gia tộc, hậu duệ;
- Chống lợi ích nhóm ngay trong bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý;
- Mở rộng thi tuyển cạnh tranh đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý;
- Thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác ở những lĩnh vực, những công việc dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng, tham ô;
- Đặc biệt quan tâm công tác bố trí lãnh đạo, quản lý ở những lĩnh vực, những nhiệm vụ thường xuyên phát sinh tiêu cực, tham nhũng;
- Huy động được sự vào cuộc thực sự của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.