Nơi lắng hồn núi sông
Chúng ta đều biết khi chọn đất Thăng Long làm kinh đô, người xưa đã nhìn thấy trước sự phát triển của nó. Là vùng đất linh thiêng mà trong “Chiếu dời đô”, đức vua Lý Công Uẩn đã viết quá rõ ràng. Đúng như sau này nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi trong trường ca “Người Hà Nội” đã viết “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn ngàn năm, qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn mãi là vùng đất “rồng cuộn hổ ngồi”, “ngàn năm văn hiến”, trái tim của con dân đất Việt.
Một ngàn năm là thời gian quá đủ để một đô thị vươn lên và phát triển, nhưng nhìn Hà Nội hôm nay phải thừa nhận một điều thật buồn là chưa xứng tầm với văn hoá và vai trò của nó. Khách quan mà nói, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã có những thời kỳ vàng son. Những lần khai quật gần đây về Hoàng thành Thăng Long đã nói lên điều đó. Trải qua bao đời thịnh trị từ Lý - Trần - Lê, Hà Nội đã có qui mô to lớn, những lầu son gác tía, những cung vua phủ chúa uy nghi và to đẹp nhưng do chiến tranh, chỉ còn lại những “tầng văn hoá” trong lòng đất và trong sử sách.
Ngày nay, Hà Nội chỉ còn lại dấu tích của thời chưa xa nhưng đáng buồn là những gì còn lại không được phát huy, không được phát triển.
Có thể nói so với thời Lý Công Uẩn khi định đô, Hà Nội đã mở rộng gấp nhiều lần (chỉ tính các quận nội thành). Trước kia chỉ tập trung ở khu vực 36 phố phường. Sau này mở rộng thành 4 quận là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì. Đến năm 2008, Hà Tây được nhập về Hà Nội, thủ đô hiện có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện.
Hà Nội có quy mô dân số chỉ đứng sau TP.HCM, và là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước nên có vị thế đặc biệt quan trọng.
Nói như vậy để thấy khi được tín nhiệm giao trọng trách người đứng đầu của một địa chỉ văn hóa quan trọng bậc nhất đất nước thì người đó phải có tầm hiểu biết văn hóa và ứng xử có văn hóa với vùng đất “địa linh nhân kiệt” này.
Công bằng mà nói, Hà Nội ngày nay khác xa với thời kỳ trước khi thống nhất đất nước. Nhiều công trình văn hóa, nhiều phố phường từng ngày thay da đổi thịt đến mức nếu không thường xuyên đi lại dễ bị lạc. Đường phố mở rộng khang trang hơn. Những cao ốc sừng sững mọc lên… Tuy nhiên, cũng phải thấy một điều là dẫu mở rộng nhưng Hà Nội quy hoạch còn manh mún. Người dân hy vọng khu “Hà Nội mới” được mở rộng sẽ hiện đại nhưng đến nay cũng thật thất vọng.
Khu vực phía Tây Hà Nội mới đấy mà không hơn gì 36 phố phường cũ, nghĩa là phố xá không khang trang, nhà cao tầng dày đặc, hệ thống thoát nước quá kém đến mức Hà Nội thành “Hà lội”. Giờ cứ mỗi lần mưa, Hà Nội lại thành sông. Tắc đường liên miên vì mật độ xây dựng quá dày đặc, ken dày. Đường Lê Văn Lương tiêu biểu cho sự chắp vá ấy, những cao ốc mọc lên không còn nơi cho các công trình văn hoá, giáo dục.
Như vậy mới thấy Thủ đô cần một người đứng đầu trí tuệ, tâm huyết đến nhường nào.
Cần người giải bài toán thực tiễn
Thủ đô Hà Nội đã trải qua 15 khóa với 9 vị từng đảm nhận chức Chủ tịch. Người đảm nhận nhiều khóa nhất là bác sỹ Trần Duy Hưng từ khóa 1 đến khóa 6. Có 4 vị đảm nhận 2 khóa hoặc gần 2 khóa, còn lại chỉ 1 khóa. Gần đây nhất là ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh. Cả hai ông sự nghiệp đều bị gãy đổ nửa chừng.
Những vấn đề bức xúc đặt ra bao nhiêu năm vẫn chưa được giải quyết: Hệ thống giao thông thế nào để không ách tắc; Hệ thống thoát nước ra sao để Hà Nội không ngập lụt; Quy hoạch thành phố ra sao để thành hiện đại và thực hiện thành phố hai bờ sông Hồng như thế nào; Bao giờ chuyển các trường đại học, các cơ quan ra khỏi nội thành…
Là Chủ tịch một thành phố, trung tâm chính trị của cả nước cần có tầm nhìn chiến lược. Người đứng đầu Hà Nội phải là người giải được bài toán mà thực tế đang yêu cầu, thực tế đang đặt ra. Nên chăng chúng ta có một cuộc thi lãnh đạo Hà Nội như Đảng ta đang làm với những vị đứng đầu một cục, vụ, học viện, nhà trường hay một huyện, thị…
Bài toán đặt ra cũng thật đơn giản, chỉ cần ai giải quyết tốt những yêu cầu như trên, sử dụng nguồn lực nào, thời gian cụ thể… chắc chắn Đảng sẽ chọn, người dân sẽ ủng hộ.
Thật ra chúng ta không thiếu người tài, vấn đề là chọn đúng và bố trí đúng. Bác Hồ đã chọn bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội đúng như tiêu chí “làm cán bộ không phải là nơi để làm quan phát tài” mà là để phục vụ nhân dân. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã để lại cho Thủ đô hàng loạt công trình tầm cỡ về kinh tế, văn hóa và xã hội. Đó là đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, các trường đại học…
Thật đáng buồn về 2 ông Chủ tịch gần đây, một người chỉ lo vun vén cho gia đình mình, dành hết những dự án, công trình cho người thân, cho “cánh hẩu” thì không thể nói là vô tư trong sáng vì cái chung được. Một người thì “thoái hoá biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hoá” như trong kết luận của Đảng thì làm sao lo cho cái chung, lo cho Hà Nội phát triển.
Hà Nội là vùng đất địa linh, vùng văn hoá tiêu biểu bậc nhất cả nước tất nhiên cũng cần một con người đặc biệt, là nhân kiệt mới có thể song hành, cùng tạo dựng sự phát triển. Trong sự phát triển của đất nước, chúng ta đã có những thực tế rất sinh động, một thành phố chỉ hơn 1 thập kỷ đã lột xác thành “nơi đáng sống” không chỉ của cả nước mà là điểm đến với du khách nước ngoài.
Đang cần lắm một con người có tâm và có tầm để giúp Hà Nội xứng đáng là “thành phố vì hoà bình”, nơi “trung tâm của trời đất” mà những bậc tiền nhân đã nhìn ra, đã đặt trọn trái tim mình.
Nguyễn Đăng Tấn