Doanh thu tăng nhưng lỗ nặng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 6 tháng đầu năm với các con số thua lỗ không chênh lệch đáng kể so với báo cáo tự lập trước đó.

Sau 6 tháng, Yeah1 đạt doanh thu 600 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, mảng kinh doanh chính là quảng cáo, chia sẻ nội dung trên nền tảng kỹ thuật số chiếm hơn 80% tổng doanh thu tăng trưởng tốt còn lĩnh vực mới là bán lẻ cũng thu về hơn 60 tỷ đồng cho Yeah1. 

Nhưng dù doanh thu tăng, giá vốn quá cao đã bào mòn gần như toàn bộ lợi nhuận gộp của Yeah1. Trong đó, một số mảng kinh doanh thậm chí còn lỗ. Lợi nhuận gộp trong 6 tháng của Yeah1 chỉ vỏn vẹn chưa đến 2 tỷ đồng. 

Con số này quá nhỏ bé với các khoản chi phí đều đội lên của doanh nghiệp. Đặc biệt, tổng chi phí cho nhân sự tăng tới 46 tỷ đồng so với cùng kỳ 2020. 

Hậu quả là Yeah1 lỗ sau thuế 197 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, công ty vẫn có lãi 2 tỷ đồng dù doanh thu thấp hơn nhiều so với năm nay. Đến cuối tháng 6, lỗ lũy kế của Yeah1 là 184 tỷ đồng sau khi đã dùng thặng dư vốn cổ phần xóa lỗ năm 2020.

{keywords}
Biểu đồ: Việt Đức.

Dù kết quả làm ăn bết bát, khoản chi lương, quyền lợi cho các nhân sự quản lý chủ chốt của Yeah1 vẫn cao gấp 3 lần so với cùng kỳ từ 2 tỷ lên 6 tỷ đồng. Cơ cấu ban lãnh đạo Yeah1 bao gồm 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên ban tổng giám đốc. 

Trong đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng chính là cổ đông lớn nhất của công ty với 24,7% cổ phần. 

Cổ đông lớn liên tục thoái vốn, cổ phiếu tiếp tục bị kiểm soát

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) vừa công bố tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu YEG của Yeah1 sau kết quả thua lỗ nửa đầu năm nay. Trước đó, cổ phiếu YEG đã bị đưa từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ đầu tháng 4 sau khi Yeah1 tiếp tục lỗ năm 2020.

Dù nhận thông tin tiếp tục bị nằm trong diện kiểm soát, cổ phiếu YEG lại tăng giá liền trong 2 phiên 22-23/9. Đóng cửa phiên 23/9, thị giá YEG dừng ở 16.600 đồng.

Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến nay, thị giá YEG đã lao dốc hơn 60%, nằm trong nhóm số ít cổ phiếu liên tục đi xuống dù xu hướng chung của thị trường là tăng điểm. 

{keywords}
Thị giá YEG lao dốc từ đầu năm đến nay (Ảnh: TV).

Khi cổ phiếu YEG đi xuống, một cổ đông lớn là bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cũng liên tục bán ra cổ phiếu. Đầu tháng 8, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 còn 14,6% cổ phần. 

Đầu năm 2020, bà Trần Uyên Phương mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu YEG và trở thành cổ đông lớn của Yeah1 với hơn 21% cổ phần, đứng thứ hai chỉ sau ông Tống.

Khi đó, ước tính tổng giá trị giao dịch thỏa thuận bà Trần Uyên Phương bỏ ra gần 300 tỷ đồng, tương đương bình quân hơn 49.000 đồng cho mỗi cổ phiếu YEG. So với thị giá YEG trên sàn quanh mốc 15.000 đồng trong giai đoạn phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát bán ra cổ phiếu thời gian qua, mức lỗ có thể lên tới gần 70%. 

Yeah1 từng là hiện tượng khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 6/2018. Những ngày đầu chào sàn HSX, thị giá YEG vượt 300.000 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Yeah1 bắt đầu lâm vào cảnh bết bát từ đầu năm 2019 khi bị YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những sai phạm liên tục và lặp lại trong quản lý nội dung. Giá cổ phiếu từ thời điểm này bắt đầu lao dốc không phanh. 

Với thị giá hiện tại chỉ hơn 16.000 đồng/cổ phiếu, YEG đã mất khoảng 95% giá trị sau 3 năm kể từ thời điểm lên sàn. 

Năm nay, Yeah1 đặt mục tiêu có lãi sau thuế 4 tỷ đồng. Nếu không thể thu về lợi nhuận lớn trong 6 tháng cuối năm nay, công ty này đối diện nguy cơ lỗ lớn 3 năm liên tục.

(Theo Dân Trí)

Thua lỗ triền miên, ông trùm truyền thông Việt chưa lối thoát

Thua lỗ triền miên, ông trùm truyền thông Việt chưa lối thoát

Ông trùm truyền thông và truyền hình tiếp tục chứng kiến cổ phiếu lao dốc xuống đáy lịch sử mới. Đà lao dốc không phanh khiến những cổ đông lớn cũng tính đường rút lui.