Video: Cụ bà 83 tuổi 40 năm may quần áo, chăn màn tặng trẻ em, người nghèo

40 năm may quần áo cho trẻ em nghèo

Cuối ngày, trời TP.HCM ầm ào mưa lớn. Sợ nước mưa chảy tràn vào nhà, cụ bà Nguyễn Thị Nga (còn gọi là má Ba “cô đơn”, 83 tuổi, phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) tất tả chạy ra ngoài lấy miếng ván cũ chặn ngang bậc thềm.

Không bật đèn điện, bà mở cửa sổ lấy ánh sáng rồi lại ngồi vào bàn đạp máy may. Đã hơn 40 năm qua, má Ba “cô đơn” xin vải vụn về cắt, ghép, tỉ mẩn may thành những bộ quần áo, chăn màn… tặng trẻ em, người nghèo.

Sau lần nhiễm Covid-19, đôi bàn tay má thêm gầy guộc. Sức may quần áo, chăn màn của má cũng giảm đi. Thế nhưng, má quyết không ngơi nghỉ, vẫn lấy việc giúp đỡ người đời làm niềm vui cho mình.

{keywords}
Má Ba “cô đơn” giới thiệu chiếc quần xinh xắn cho trẻ em mới may xong từ vải vụn.

Hơn 40 năm trước, trong dịp đến một địa phương thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Gia Lai, má Ba “cô đơn” giật mình, xót xa khi thấy những đứa trẻ không có quần áo mặc. Thương các bé, má Ba quyết định may quần áo, chăn màn cho bọn trẻ.

Không có kinh phí mua vải, má Ba đi xin vải vụn tại các tiệm may đem về cắt xén, chắp nối rồi tỉ mẩn ngồi may bằng tay. Chưa từng học may vá, không biết đo, cắt vải, những chiếc quần, áo má Ba may ra lúc ấy méo mó, nhăn nhúm, xấu xí vô cùng.

Không nản chí, cái nào xấu, nhăn nhúm, má tháo ra may lại. Cuối cùng, má cũng tìm ra cho mình “công thức” may quần áo trẻ em, chăn màn từ vải vụn. Những bộ quần áo thành phẩm đầu tiên, má mang đến vùng quê nghèo, tự tay mặc lên người cho các bé.

{keywords}
Má Ba tình nguyện may quần áo, chăn màn cho trẻ em, người nghèo từ 40 năm trước.

“Được tự tay mặc những bộ quần áo do mình may cho bọn trẻ và nhìn chúng cười vui là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi. Niềm vui ấy khiến mọi mệt mỏi, buồn phiền, bệnh tật trong tôi tan biến. Thế là tôi tiếp tục may cho đến tận bây giờ”, má Ba kể.

Sau này, khi thấy má Ba đã lớn tuổi mà vẫn cặm cụi xỏ chỉ, xâu kim, một người tốt bụng mang đến tặng má chiếc máy may cũ. Dù chưa biết sử dụng nhưng má rất vui. Chiếc máy sẽ giúp má may thêm được nhiều quần áo hơn cho trẻ em nghèo.

Có máy, má tự mày mò đạp, mua dụng cụ, đồ nghề về nhà để tự sửa chữa mỗi khi chiếc máy hỏng hóc. Bây giờ, má có hẳn một tủ đồ nghề với đủ dụng cụ chuyên dụng như một thợ sửa máy may chuyên nghiệp.

{keywords}
Đến nay, dù đã cao tuổi, chân tay yếu nhiều, má Ba vẫn không có ý định dừng công việc thiện nguyện.

Má Ba nói: “Có chí là làm được thôi. Tôi sống một mình nên cái gì cũng phải tự học và học hoài. Học mãi sẽ được miễn là mình đừng nản chí. Hơn thế, cái tâm thiện, nghĩ đến việc thiện thì trí sẽ sáng và làm được mọi việc”.

Từ ngày có máy và biết cách sử dụng, má Ba may được nhiều quần áo, chăn màn hơn. Mỗi ngày, sau giờ ăn sáng, tập thể dục, má lại ngồi vào bàn may quần áo. May xong, má giặt giũ, xếp, gấp gọn gàng, bỏ chúng vào bao nilon đợi các nhóm từ thiện đến lấy, chở đi gửi tặng người nghèo.

“Tâm thiện sẽ đầy đủ phước báu”

Ở tuổi 83, lại đang đeo mang nhiều bệnh hiểm nghèo, không mấy ai tin má Ba có thể một mình ngồi lựa chọn hàng trăm miếng vải vụn để ghép lại rồi may thành những bộ quần áo trẻ em xinh xắn.

{keywords}
May xong quần áo, chăn màn, má giặt giũ, gấp lại gọn gàng rồi bỏ vào thùng để bảo quản.

Năm 1986, má Ba phát hiện mình bị ung thư tử cung. Khi điều trị căn bệnh này chưa ổn định, năm 2000, má lại được bác sĩ thông báo mắc ung thư vú. Tính đến nay, má Ba đeo mang trên dưới 4-5 bệnh ung thư cùng nhiều chứng bệnh mãn tính khác.

Ấy vậy mà má Ba chưa bao giờ buồn hay để bệnh tật quật ngã. Má luôn kể về bệnh tật của mình bằng cách nói dí dỏm, lạc quan. Lúc nào má cũng tâm niệm, trên đời còn nhiều cái chết đáng sợ hơn chết vì ung thư.

Má Ba tâm sự: “Chết vì bệnh hiểm nghèo là cái chết được báo trước. Chúng ta có thời gian, điều kiện chuẩn bị và có quyền chọn lựa cách sống cho phần đời còn lại của mình. Mình cứ sống cho tốt, lạc quan, cống hiến hết mình cho việc thiện”.

“Sống như thế, tự nhiên sẽ không sợ bệnh, sợ chết nữa. Tôi mắc nhiều chứng ung thư, thậm chí, năm 80 tuổi bị tai biến và mới đây cũng mắc Covid-19 nhưng đến giờ sức khỏe vẫn rất tốt. Tất cả là nhờ tôi vui sống và nghĩ đến việc thiện. Bởi, tâm thiện sẽ đầy đủ phước báu”, má nói thêm.

{keywords}
Khi điều trị Covid-19 tại bệnh viện, má Ba cũng được các y bác sĩ, tình nguyện viên, bệnh nhân yêu mến. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Má Ba đem tư tưởng này lan tỏa đến các bệnh nhân đang điều trị những căn bệnh hiểm nghèo. Khi có thời gian, má thường đến thăm và động viên tinh thần những bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Thời điểm nhiễm Covid-19 và được vào bệnh viện điều trị, má tiếp tục hỗ trợ y bác sĩ ổn định, vực dậy tinh thần các bệnh nhân trở nặng. Dù lớn tuổi, sáng nào má Ba cũng dậy sớm tập thể dục, dọn vệ sinh phòng bệnh.

Má tình nguyện sửa chữa, thiết kế các vật dụng lặt vặt nhưng cần thiết cho bệnh nhân sử dụng như: sào phơi đồ, kệ đựng dung dịch sát khuẩn… Má hô hào bệnh nhân cố gắng vận động, hít thở để cải thiện sức khỏe, chống lại bệnh tật.

{keywords}
Hai chú heo đất má Ba nuôi để mua gạo, mì gói tặng người nghèo.

Trở về sau đại dịch, dù sức khỏe chưa hồi phục, má Ba đã vội “tái khởi động” các hoạt động thiện nguyện của mình. Ngoài may quần áo, chăn màn cho trẻ em, người nghèo, má Ba “nuôi" 2 con heo đất. Một con dành mua 2 tấn gạo, một con mua 200 thùng mì để phát tặng người khó khăn.

Kinh phí “nuôi” heo đất đến từ tiền cháu chắt cho má tiêu vặt, tiền má bán ve chai. Má dùng luôn số tiền được người thân của chủ căn nhà má đang sinh sống gửi tặng hàng tháng vào việc “vỗ béo” 2 chú heo nói trên.

Má Ba kể: “Tôi đang ở trong căn nhà của cô trưởng nhóm thiện nguyện ngày xưa. Trước khi qua đời vì tai nạn giao thông, cô ấy dặn các con để tôi sống trong nhà cho đến chết”.

“Cô ấy dặn thêm rằng, mỗi tháng, các con của cô cho tôi một số tiền nhỏ. Tôi rất biết ơn, nguyện dùng số tiền này làm từ thiện như một cách cám ơn cô ấy và các con của mình”, má Ba tâm sự.

Bài, ảnh, clip:  Nguyễn Sơn

'Cầu câu cơm Thạch Sanh' độc nhất vô nhị của 2 cụ bà Sài Gòn

'Cầu câu cơm Thạch Sanh' độc nhất vô nhị của 2 cụ bà Sài Gòn

Dịch bệnh bùng phát, người cao tuổi tạm gác “chuyện dưỡng già”, chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ tham gia các bếp ăn từ thiện, họ còn bỏ tiền túi mua gạo, nấu cơm rồi chở đi tặng người nghèo.