Rầm rộ sau dịch
Cuối tuần qua, chị Nguyễn Thị Hồng (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được 3 phiếu mua hàng, tổng trị giá 150.000 đồng từ một cửa hàng mới khai trương ngay chân toà nhà chung cư. Cửa hàng như một siêu thị mini, có đầy đủ hàng hoá từ rau củ quả tới mì tôm, dầu mỡ, bột canh,... Cư dân được phục vụ tận phòng nếu mua hàng qua điện thoại, hoặc được nhân viên cửa hàng xách đồ về. Các chương trình khuyến mại trong ngày, cuối tuần được tung ra để hút khách.
Chị Hồng cho hay, cửa hàng mới khai trương nên rầm rộ khuyến mại. Tại chung cư nhà chị, một siêu thị mini khác đã hoạt động được 2 năm. Việc có thêm một cửa hàng mới sẽ cạnh tranh hơn, người tiêu dùng như chị Hồng được hưởng lợi rất nhiều.
“Mua ở đây tiện hơn siêu thị, ai lười đi thì họ ship lên tận phòng, thanh toán không tiền mặt nên chẳng lo tiếp xúc. Chưa kể, họ khuyến mại liên tục nên cũng tiết kiệm khá nhiều”, chị Hồng cho hay.
Tại khu đô thị Linh Đàm, mỗi chung cư đều có 2-3 cửa hàng tạp hoá theo mô hình hiện đại. Người mua được tự do chọn đồ và có máy tính tiền, thanh toán qua thẻ. Khách mua hàng được lưu tên để cộng điểm, tặng quà. Ngay cạch đó là các cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ của các chuỗi khác như Vinmart, Big Green, Bác Tôm,… Mới đây, Eaon cũng có mặt tại đây với thương hiệu chuỗi Maxvalu.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc đua mở các cửa hàng tạp hoá khối đế chung cư tại các khu đô thị diễn ra khá mạnh mẽ. Tại khu đô thị ở Nam Từ Liêm, tầng 1 chung cư nào cũng có siêu thị, cửa hàng tiện ích, ngoài bán thực phẩm, đồ gia dụng, các cửa hàng này còn phục vụ đồ ăn nhanh, cà phê,...
Anh Nguyễn Tuấn Anh (quản lý một cửa hàng tại Hà Đông), cho hay, sau dịch, sức mua tăng trở lại. Ngành tiêu dùng thiết yếu luôn có cơ hội phát triển, kể cả trong dịch. Làn sóng mở cửa hàng rầm rộ như hiện nay do các chung cư là thị trường nhiều tiềm năng. Đặc biệt, giá thuê các ki ốt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch, nhiều cơ hội cho những cửa hàng mới có mặt bằng thuê tốt. Nhiều chuỗi tận dụng thời điểm này để tăng độ phủ trên thị trường.
Cuộc đua bán lẻ quy mô cửa hàng ngày càng khốc liệt khi có nhiều tên tuổi mới tham gia. Nhà bán lẻ từ Nhật là Aeon đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng siêu thị nhỏ tại Hà Nội. Nova Market (thuộc Nova Commerce) cũng đặt tham vọng lớn vào mảng kinh doanh này khi đã có hơn 10 cửa hàng tại TP.HCM. Central Retail cũng đẩy mạnh mở Tops Market tại các chân toà nhà chung cư.
Trước đó, Mường Thanh có hệ thống Mường Thanh Mart; công ty Bắc Hà có hệ thống Bhome khai thác mặt bằng bán lẻ dưới chân các tòa chung cư do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Lợi nhuận cao nhưng đầy rủi ro
Sự linh hoạt các chuỗi siêu thị mini với tính thích ứng cao sau dịch đang làm cho cuộc đua thị trường bán lẻ tập trung vào phân khúc này. Theo báo cáo của Sapo, xu hướng chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch. Trong khi cửa hàng bán lẻ các sản phẩm không thiết yếu bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng và hàng thiết yếu ít chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội hơn.
Tiếp tục trong năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn. Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.
Theo báo cáo của một đơn vị bán lẻ, các cửa hàng đang mang lại doanh thu khá lớn. Trong đó, cửa hàng tiện ích có doanh thu ước đạt 8.022 tỷ đồng. Lợi nhuận trước lãi vay và thuế 6,7%, tăng 90 điểm cơ bản và 7,0% trong quý 2/2022, tăng 40 điểm cơ bản. Còn doanh thu của các siêu thị đạt 4.515 tỷ đồng nửa đầu năm 2022, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng trên 10%. Thậm chí năm 2020, dù bị ảnh hưởng Covid-19, bán lẻ Việt Nam vẫn tăng thêm hơn 11 tỷ USD so với 2019, đạt hơn 172 tỷ USD.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) tin rằng sức tiêu thụ ngành hàng tiêu dùng trong năm 2022 sẽ phục hồi gần tương đương so với thời điểm trước đại dịch, chỉ thấp hơn 5-10% so với 2019. VCSC đánh giá 2 mô hình quan trọng tạo nên thành công cho nhà bán lẻ là siêu thị mini và thương mại điện tử.
Mặc dù vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong những năm vừa qua. Tính cạnh tranh trong thị trường cũng vì vậy mà ngày một khốc liệt hơn. Không phải cửa hàng nào cũng thành công. Đơn cử như Vinmart+ đã đóng cửa một điểm bán hàng tại chung cư Hud3 Linh Đàm để mở ở địa điểm mới. Hay Thế Giới Di Động đóng gần 170 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Công ty dự kiến toàn bộ cửa hàng bách hóa sẽ hoạt động với mô hình mới, đồng thời những điểm bán kém hiệu quả sẽ được rà soát, xử lý triệt để.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, nếu chấp nhận chi phí thuê từ 30-40 triệu đồng/điểm bán thì sẽ phải bù lỗ khá dài, trường hợp lượng khách không đông như dự kiến thì sẽ thất bại.
Với một số thương hiệu đó là sự tăng trưởng trong số lượng cửa hàng, số khác lại phải đối mặt với việc tái cấu trúc. Để đạt được mức lợi nhuận như kỳ vọng, ít nhất hệ thống phải đạt chuỗi 100 cửa hàng và trước khi chạm mốc 100 đó, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ.
Quan sát động thái của các nhà bán lẻ của khối nội lẫn khối ngoại, giới phân tích cho rằng cuộc đua mở rộng thị phần của các nhà bán lẻ sẽ tiếp tục gay cấn trong các năm tới.