Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại Niên giám thống kê, năm 2021 TP.HCM là địa phương có nhiều siêu thị nhất với 237 siêu thị, không tăng so với năm 2020. So với năm 2015, TP.HCM tăng thêm 58 siêu thị.
Hà Nội là địa phương có số lượng siêu thị nhiều thứ hai, nhưng tốc độ gia tăng lại khác hẳn TP.HCM. Năm 2021, Hà Nội có 123 siêu thị, giảm 7 siêu thị so với năm 2020. Đây là số lượng siêu thị thấp nhất từ 2015 đến nay của Hà Nội.
Năm 2015, Hà Nội có 137 siêu thị, thời điểm cao nhất là năm 2019 Hà Nội có 141 siêu thị. Như vậy, từ 2015 tới nay, số lượng siêu thị ở Hà Nội không tăng thêm, thậm chí còn giảm khá nhiều.
Kiên Giang, Ninh Bình và Nghệ An là 3 địa phương có sự gia tăng về lượng siêu thị rất lớn.
Kiên Giang là địa phương gây ấn tượng mạnh về mức độ gia tăng số lượng siêu thị. Năm 2015 địa phương này chỉ có 6 siêu thị, thì đến năm 2021 đã tăng lên hơn 10 lần với 63 siêu thị và nhiều hơn năm 2020 tới 47 siêu thị.
Năm 2015, Ninh Bình mới có 7 siêu thị thì đến 2021 con số này đã tăng lên 40 siêu thị, nhiều hơn 7 siêu thị so với năm 2020.
Nghệ An năm 2015 mới có 39 siêu thị thì năm 2021 đã lên tới 77 siêu thị. Con số này còn giảm so với mức đỉnh cao của năm 2020 (95 siêu thị) và năm 2019 (89 siêu thị).
Đà Nẵng có 71 siêu thị, bằng năm 2020 và chỉ nhiều hơn 1 siêu thị so với năm 2018 và 2019. Khánh Hòa có 31 siêu thị, con số bằng với 2 năm trước đó.
Hàng loạt địa phương khác số lượng siêu thị chỉ 'đếm trên đầu ngón tay' với số lượng từ 2-4 siêu thị/tỉnh như Quảng Nam, Đắc Lắk, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lạng Sơn, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Thuận, Lai Châu, Hà Tĩnh. Điều này cũng phản ánh về doanh thu dịch vụ bán lẻ cũng như thói quen tiêu dùng và quy mô kinh tế của những địa phương này.
Nhiều địa phương có sự gia tăng về số lượng siêu thị trong một năm nhất định nhưng ngay sau đó lại giảm mạnh. Ví dụ năm 2015, Hải Dương có 23 siêu thị nhưng đến 2021 chỉ còn 8; Lào Cai năm 2015 có 13 siêu thị nhưng đến 2021 chỉ còn 9; Điện Biên năm 2015 có 8 siêu thị song đến năm 2021 chỉ còn 3...
Các số liệu được VietNamNet tính toán kể trên cho thấy, để gia tăng và duy trì được hệ thống siêu thị không phải dễ. Thời gian qua, nhiều DN trong và ngoài nước đã đổ nhiều tiền của vào xây dựng các hệ thống siêu thị nhưng không ít phải ngậm ngùi rút lui hoặc chuyển hướng kinh doanh, hay phải 'bán mình' cho đối tác khác.