Ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết, ngay khi sự cố với 5 tuyến cáp quang biển xảy ra, Bộ TT&TT đã khẩn trương họp với các doanh nghiệp viễn thông có sở hữu dung lượng tuyến cáp kết nối quốc tế bàn biện pháp xử lý, bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet kết nối quốc tế. Để hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp ngay khi chưa hoàn tất thủ tục bổ sung dung lượng, các doanh nghiệp đã chia sẻ dung lượng kết nối đi quốc tế cho nhau, đồng thời khẩn trương mua thêm dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền.
Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải có đảm bảo dự phòng tối thiểu 10% dung lượng nhằm giữ ổn định chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cung cấp cho khách hàng, nhanh chóng phối hợp với đối tác quốc tế để khôi phục cáp quang biển.
Sự cố cáp quang biển lần này ảnh hưởng không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, việc mở thêm dung lượng đi quốc tế gặp khó khăn bởi nhiều nước cũng tìm cách kết nối dung lượng trong nước đi các tuyến cáp khác nhau. Tuy nhiên, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải chủ động, kết hợp nhiều biện pháp mua thêm ngay dung lượng cáp quang trên đất liền kết nối đi quốc tế. Chỉ tính riêng VNPT đã mở bổ sung thêm 800Gbps cáp đất liền và tiếp tục mở trong thời gian tới. “Việc phải mua thêm dung lượng lớn trong thời gian gấp sẽ chịu chi phí rất cao, nhưng đây là vấn đề bắt buộc phải xử lý để đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Sơn nói.
Đại diện VNPT cho biết, nhằm khắc phục sự cố cáp quang biển liên tục đứt, VNPT đã bổ sung kênh cáp đất liền và tiến hành nhiều giải pháp san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối và các dịch vụ, phối hợp với đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế,tối ưu chất lượng streaming, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ. Đại diện Viettel cho hay, họ đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và mở thêm dung lượng đi quốc tế nên đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Qua theo dõi và giám sát của Cục Viễn thông, khách hàng của Viettel và VNPT đôi khi còn gặp hiện tượng hơi chậm một chút vào giờ cao điểm so với lúc trước khi các tuyến cáp quang biển gặp sự cố chứ không có tình trạng nghẽn. Còn lại những nhà mạng như MobiFone hay FPT Telecom có mức dự phòng khá an toàn để đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet kết nối quốc tế gần như không bị ảnh hưởng so với thời điểm trước sự cố.
Cục Viễn thông đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để tiếp tục triển khai các phương án quản trị rủi ro hiện tại và tương lai đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng; Xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, thúc đẩy nhanh một số tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam.
Hiện 4/5 tuyến cáp quang biển đã có lịch sửa chữa. Cụ thể, sự cố trên nhánh S6 của tuyến cáp APG sẽ được khắc phục vào khoảng thời gian từ ngày 22/3/2023 đến 27/3/2023; lỗi trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản của tuyến cáp này được sửa chữa từ ngày 5/4/2023 đến 9/4/2023. Các sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển AAG vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 sẽ được khắc phục trong khoảng thời gian 26/2/2023 đến ngày 15/4/2023. Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa từ 5/4 đến 13/4/2023. Theo đó, đến khoảng giữa tháng 4, đầu tháng 5 dung lượng Internet đi quốc tế sẽ được khôi phục hoàn toàn.