Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) thuộc Bộ TT&TT cho biết, từ ngày 19/1, tức 27 Tết Quý Mão 2023, toàn bộ 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia đã được cung cấp trên nền tảng truyền hình số VTVgo.
Cụ thể bao gồm: Kênh thời sự - chính trị tổng hợp (VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam; kênh thời sự - chính trị tổng hợp (VTC1) của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; kênh truyền hình Thông tấn (Vnews) của Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam; kênh truyền hình Công an nhân dân (ANTV) của Truyền hình Công an nhân dân, Bộ Công an; kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN) của Trung tâm Phát thanh, Truyền hình Quân đội, Bộ Quốc phòng; Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam (QHVN) của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Văn phòng Quốc hội; Kênh truyền hình Nhân dân (Nhân dân) của Báo Nhân dân.
Việc đưa 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia lên nền tảng truyền hình số VTVgo nằm trong Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia đã được Bộ TT&TT phê duyệt.
Theo đó, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và cung cấp nội dung giải trí đến người dân, Bộ TT&TT đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia (kênh truyền hình thiết yếu quốc gia) để thống nhất phương án, thời gian, lộ trình đưa các kênh này lên nền tảng truyền hình số quốc gia.
Trước đó, vào giữa tháng 12/2022, Bộ TT&TT có quyết định công nhận nền tảng truyền hình số (VTVgo) của Đài Truyền hình Việt Nam đạt tiêu chí nền tảng số phục vụ người dân 2022.
Đến nay, nền tảng VTVgo đã được cài đặt trên 28,5 triệu thiết bị điện tử, có tới gần 10 triệu người theo dõi và sử dụng, với trung bình 450 triệu lượt xem hàng tháng và có hơn 1 triệu kiều bào Việt Nam trên thế giới sử dụng.
Theo Cục PTTH&TTĐT, việc các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia được đưa lên nền tảng VTVgo góp phần lan toả những chương trình truyền hình chính luận của các Đài khối Trung ương đến khán giả trong và ngoài nước, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí chủ lực góp phần quảng bá rộng rãi giá trị văn hoá về đất nước, con người Việt Nam đến người dân Việt và bạn bè quốc tế.
VTV đang từng bước xây dựng VTVgo trở thành nền tảng truyền hình số trực tuyến quốc gia (hệ thống OTT quốc gia). Mục tiêu là đến năm 2025, người xem VTVgo đạt tỷ lệ 25% người dùng Internet tại Việt Nam. VTVgo sẽ đóng vai trò trụ cột trong chiến lược phân phối nội dung số của VTV cũng như từng bước trở thành nền tảng OTT dùng chung cho các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình trên cả nước trong cung cấp dịch vụ xem truyền hình Internet nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu khán giả trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nằm trong chương trình thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Bộ TT&TT đã phê duyệt kế hoạch triển khai 2 nền tảng: nền tảng truyền hình số quốc gia do Đài truyền hình Việt Nam làm đầu mối và nền tảng phát thanh số quốc gia do Đài Tiếng nói Việt Nam làm đầu mối.
Là ứng dụng xem truyền hình hoàn toàn miễn phí của Đài Truyền hình Việt Nam, VTVGo cho phép khán giả có thể xem truyền hình mọi nơi, mọi lúc, đa nền tảng. Đến nay, VTVGo đã được cập nhật phiên bản thứ tư với nhiều tính năng, trải nghiệm mới nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ dữ liệu lớn (Big Data).
Theo ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc VTV Digital, nền tảng VTVgo đang ngày càng thông minh hơn, có thể tự động sắp xếp nội dung theo thói quen xem của người dùng. Hiện tại, VTVgo đang thử nghiệm làm giàu Metadata bằng kỹ thuật nhận dạng hình ảnh sử dụng công nghệ AI. Mục tiêu mà VTVgo hướng tới là khi hai người dùng khác nhau mở ứng dụng ra sẽ thấy hai giao diện với các nội dung khác nhau.
Hiện tại, ứng dụng VTVgo đã có khoảng 30 triệu lượt cài đặt, đáp ứng yêu cầu cao về nội dung, hạ tầng ổn định và độ phủ của người dùng. Trong thời gian tới, nền tảng này sẽ tích hợp nội dung của tất cả các đài phát thanh - truyền hình trên cả nước, giúp họ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, giảm chi phí đầu tư, hướng tới mục tiêu của Chính phủ là hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Trong thông tin về thực hiện quy định mới tại Nghị định 71 năm 2022, Bộ TT&TT cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất Tivi thông minh có kế hoạch sẵn sàng cài đặt trên trang chủ màn hình và tích hợp phím bấm truy cập ứng dụng xem truyền hình số quốc gia trên Tivi thông minh khi cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn và công bố. Việc này để cụ thể hóa các định hướng tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành.