Từ năm 2018, tại Việt Nam, dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet (OTT TV VOD) bắt đầu phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Với doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có Giấy phép hoạt động truyền hình.
Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV VOD của doanh nghiệp nước ngoài không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm điều cấm như xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mặt khác, xu hướng xem các nội dung truyền hình trên TV thông minh qua các ứng dụng truyền hình Internet ngày càng phổ biến. Thị trường Việt Nam hiện có nhiều mẫu mã, chủng loại TV thông minh do nhiều hãng sản xuất và phân phối như Sony, Samsung, LG, TCL, Casper, Panasonic… Với tính năng tùy biến giao diện hệ điều hành, TV thông minh thường được cài đặt sẵn một số ứng dụng xem truyền hình trên giao diện trang chủ màn hình, như Netflix, FPT Play, TV360, AmazonTV, Fim+, YouTube….
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT nhận định, việc cài đặt sẵn các ứng dụng xem truyền hình giúp tăng trải nghiệm, hướng đến tối ưu hóa nhu cầu thưởng thức và người xem truyền hình dễ dàng tiếp cận nội dung theo yêu cầu cá nhân.
Song trên thực tế, nhiều ứng dụng xem truyền hình cài đặt sẵn nêu trên và cả các ứng dụng được tích hợp thành phím bấm trên điều khiển TV thông minh chưa được phép hoạt động tại Việt Nam. Trên các ứng dụng này tồn tại nhiều nội dung xấu, độc hại không phù hợp văn hoá Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng người xem là trẻ em và thanh thiếu niên.
Từ thực tế đó, Bộ TT&TT đã sớm đề xuất và được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 06 năm 2016 của Chính phủ. Ngày 1/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 năm 2016 của của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Có hiệu lực từ năm nay, Nghị định 71 quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet với nội dung là các chương trình phát thanh, truyền hình, chương trình tin tức, thời sự, thể thao, giải trí và phim thuộc đối tượng phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Quy định mới tại Nghị định 71 điều chỉnh đến cả những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu xuyên biên giới vào Việt Nam.
Theo Cục PTTH&TTĐT, hiện cơ quan quản lý nhà nước đã có đầy đủ căn cứ pháp lý để quản lý tốt các dịch vụ cung cấp phim và chương trình phát thanh, truyền hình trên mạng Internet, nhất là với doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tới người dùng Việt Nam.
Cùng với đó, hoạt động quản lý nhà nước với các ứng dụng xem truyền hình trên mạng Internet sẽ được đẩy mạnh, đảm bảo nội dung phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, người dân dễ dàng tiếp cận nội dung thông tin văn hóa, xã hội, giải trí truyền hình lành mạnh góp phần duy trì và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Để phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp nước ngoài tuân thủ các quy định mới đã có hiệu lực thi hành, Bộ TT&TT đã có văn bản yêu cầu Netflix, Apple, Amazon, Tencent, IQIYI và Hồ Nam Happy Sunshine Interactive Entertainment Media báo cáo kế hoạch thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, phân phối TV thông minh tại thị trường Việt Nam, Bộ TT&TT yêu cầu rà soát tính pháp lý của các ứng dụng xem truyền hình đang cài đặt sẵn trên trang chủ màn hình sản phẩm hoặc tích hợp thành phím bấm trên điều khiển để đảm bảo không vi phạm pháp luật.
Bộ TT&TT cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất có kế hoạch sẵn sàng cài đặt trang chủ màn hình và tích hợp phím bấm truy cập ứng dụng xem truyền hình số quốc gia trên TV thông minh, khi cơ quan có thẩm quyền chính thức phê chuẩn và công bố. Việc này nhằm cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số.