Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành bán dẫn Trung Quốc bắt đầu gây ra những ý kiến quan ngại từ chính giới Trung Quốc, đe dọa có thể dẫn tới một cuộc chiến công khai.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Hà Lan NRC Handelsblad gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan Tang Jian đã thảo luận về sự xấu đi trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến và sản xuất chip.
Đại sứ Tang Jian nhấn mạnh rằng những nỗ lực dai dẳng nhằm phá vỡ hợp đồng dài hạn của Trung Quốc với các quốc gia khác có thể dẫn đến sự phá vỡ chuỗi cung ứng và làm phức tạp đáng kể việc sản xuất chip bán dẫn cho tất cả các bên tham gia thị trường. Ông bày tỏ sự thất vọng trước những hạn chế trong việc cung cấp thiết bị in thạch bản từ công ty ASML cho Trung Quốc.
Trước đó, công ty ASML của Hà Lan là nhà cung cấp toàn cầu về máy in thạch bản tiên tiến, giúp sản xuất chip bằng quy trình công nghệ 5nm và 3nm.
Việc Mỹ gây áp lực, buộc Hà Lan cấm ASML cung cấp sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc, bị Đại sứ Tang Jian tố cáo đã ‘vi phạm các điều ước quốc tế’.
Đại sứ Tang Jian chỉ trích việc mở rộng khái niệm an ninh của Mỹ, cho rằng Mỹ đang gây áp lực lên các đồng minh và đổ lỗi cho Trung Quốc về những mối đe dọa vô căn cứ, gọi những gì đang diễn ra là một phần của chiến lược nhằm kiềm chế tiềm năng kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, đồng thời đề nghị châu Âu đưa ra những quyết định sáng suốt, có lợi cho tất cả các bên, chứ không chỉ riêng cho Mỹ.
Công ty ASML được cho là đã chịu tổn thất tài chính nghiêm trọng do các lệnh cấm của Mỹ đưa ra, bởi lẽ Trung Quốc được coi là khách hàng chủ yếu của thiết bị sản xuất chip trưởng thành sử dụng quy trình công nghệ 28nm trở lên. Theo một số ước tính, thị phần của Celestial Empire (Trung Quốc) có thể chiếm tới 70% thị trường xuất khẩu của ASML.
Đại sứ Tang Jian nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với chính phủ Hà Lan nhằm ngăn chặn các nguy cơ leo thang. Ông cũng lưu ý những khó khăn mà các công ty Trung Quốc ở EU phải đối mặt do các biện pháp hạn chế, áp lực chính trị và thông tin sai lệch.
Đại sứ chỉ trích các chính sách không nhất quán của EU, cho rằng chúng khó hiểu ngay cả đối với chính người châu Âu. Các quyết định được đưa ra một cách tự phát và dưới áp lực của Mỹ và là phương thức kinh doanh phi cạnh tranh.
Trước tình trạng hiện nay, Đại sứ Tang Jian khẳng định Trung Quốc chắc chắn sẽ không cam chịu, dù không tiết lộ chi tiết về cách thức Trung Quốc sẽ phản ứng. Tuy nhiên, qua chia sẻ của ông, các nhà phân tích không loại trừ 2 kịch bản rất có thể sẽ xảy ra.
Trong trường hợp đầu tiên, Trung Quốc có thể áp đặt các hạn chế một phần hoặc toàn bộ việc cung cấp sản phẩm bán dẫn cho Mỹ và châu Âu, làm tê liệt nhiều ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất ô tô, máy tính và điện thoại thông minh.
Trung Quốc cũng có khả năng sẽ bắt đầu cuộc chiến về giá, bằng cách giảm mạnh giá vận chuyển đối với các sản phẩm bán dẫn, làm suy yếu vị thế của các nhà sản xuất lớn trên toàn cầu, buộc Mỹ và các đồng minh phải đàm phán.
Nhìn chung, tất cả những biện pháp này đều sẽ dẫn tới một "cuộc chiến bán dẫn" thực sự giữa Trung Quốc với Mỹ và các quốc gia đồng minh, gây tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh địa kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.
(theo OL)