Trong vòng 10 năm, Trung Quốc từ một nơi chưa được khai phá, trở thành thị trường lớn thứ 3 của công ty sản xuất công cụ đúc chip quan trọng hàng đầu trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu hiện tại.
Theo công ty nghiên cứu Gartner Inc, ASML đang là đầu mối rất quan trọng với ngành công nghiệp chip, khi kiểm soát hơn 90% thị trường máy in bản thạch tia cực tím (EUV) trị giá 17,1 tỷ USD toàn cầu. Việc công ty gần như độc quyền với các hệ thống EUV tiên tiến khiến nó trở thành bánh răng quan trọng trong ngành và là mục tiêu của các âm mưu gián điệp công nghệ.
Trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh đang gia tăng sức ép ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn, việc 1 cựu nhân viên đánh cắp thông tin kỹ thuật độc quyền của ASML có thể gây ra sự kiểm soát chặt chẽ hơn với những lô hàng xuất khẩu của công ty này.
Hồi chuông cảnh báo
Năm ngoái, ASML cáo buộc Dongfang Jingyuan Electron Ltd - DJEL(trụ sở tại Bắc Kinh), đánh cắp bí mật thương mại. Trước đó, năm 2018, công ty Hà Lan cũng đã kiện một số nhân viên cũ vì tội âm mưu đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và gửi tới một công ty ở California và một công ty khác có liên quan tới Dongfang ở Trung Quốc.
Theo Bloomberg, vụ đánh cắp dữ liệu mới nhất được tiết lộ trong báo cáo thường niên của ASML xảy ra trong kho lưu trữ kỹ thuật, gồm các chi tiết quan trọng của các hệ thống thiết yếu trong sản xuất một số loại vi xử lý hiện đại nhất thế giới. Những dữ liệu bị đánh cắp liên quan đến phần mềm chứ không phải phần cứng, đã được thực hiện trong vài tháng qua.
Nguy cơ hiện hữu là việc Bắc Kinh lấy được công nghệ đúc chip phức tạp và quan trọng của ASML. Nếu sở hữu công nghệ độc quyền của công ty Hà Lan, Bắc Kinh hoàn toàn có thể đẩy nhanh quá trình tự chủ và thoát ly hoàn toàn khỏi công nghệ bán dẫn phương Tây.
Bên cạnh đó, những lo ngại về việc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ áp đặt, với sự đồng thuận gần đây của Hà Lan và Nhật Bản, có thể phản tác dụng, không phải là không có cơ sở.
“Nếu họ không có được những chiếc máy đó, họ sẽ tự phát triển sản phẩm riêng”, CEO Wennink cho hay. “Điều đó sẽ mất thời gian, nhưng rồi cuối cùng họ cũng đạt được”.
“Đi không đành, ở không xong”
Công ty Hà Lan dường như vẫn đang muốn bảo vệ thị trường màu mỡ này, khi cho rằng mình không phải là nạn nhân của một vụ gián điệp công nghệ, mà chỉ đơn thuần là một kỹ sư tham lam “vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân”.
“Vấn đề của ASML nằm ở việc họ cần bảo vệ các công nghệ tiên tiến đang sở hữu. Thế nhưng, Trung Quốc là một thị trường béo bở. Nếu bạn không ở đó thì sẽ có người khác nhảy vào”, David Criekemans, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Antwerp phân tích.
Kể từ năm 2013, những lô máy móc đầu tiên của ASML tới Trung Quốc, đánh dấu sự bùng nổ tại thị trường này. Cùng với xu hướng toàn cầu hoá mạnh mẽ, giá cổ phiếu công ty đã tăng gấp 10 lần để trở thành công ty có giá trị nhất châu Âu.
Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc bắt đầu rót vốn lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn bằng cách thành lập quỹ huy động khoảng 45 tỷ USD hỗ trợ cho các công ty. Để tranh thủ nguồn tài nguyên trên, CEO Peter Wennink đầu tư vào phát triển phần mềm ở Thẩm Quyến, sản xuất hệ thống giám sát ở Bắc Kinh và đặt trụ sở khu vực ở Hồng Kông.
“Wennink không hài lòng với những lệnh hạn chế xuất khẩu”, Alexander Peterc, chuyên gia phân tích tại Societe Generale cho biết. “Tất cả những gì ông ấy muốn là có thêm nhiều khách hàng mua bộ công cụ đúc chip, nhất là khi công ty đã đầu tư vào kênh phân phối và bán hàng tại một thị trường như Trung Quốc".
Phản ứng của Mỹ
Vụ việc mới nhất đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với Washington. Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách quản lý xuất khẩu, Thea Kendler cho biết, Mỹ “quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc. Căng thẳng Mỹ - Trung đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi một khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh bị bắn hạ trong không phận Mỹ.
Trong khi đó, chính phủ Hà Lan đã đạt thoả thuận với Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Theo đó, quốc gia sở tại của ASML sẽ không cho công ty này bán ít nhất một vài loại máy in bản thạch nhúng, loại thiết bị tiên tiến nhất trong dây chuyền EUV cho Bắc Kinh.
“Thật đáng lo ngại khi một công ty có quy mô và danh tiếng như vậy trở thành nạn nhân của hoạt động gián điệp kinh tế”, Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan cho biết. “Điều này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ những công nghệ chất lượng cao tại Hà Lan”.
Tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã công bố các hạn chế xuất khẩu nhằm vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc. Áp lực này đã góp phần khiến Trung Quốc phải tạm dừng các khoản đầu tư lớn nhằm xây dựng ngành công nghiệp chip của mình. Thay vào đó, Bắc Kinh đang tìm kiếm những cách thức thay thế để hỗ trợ cho những nhà sản xuất chip trong nước, chẳng hạn như hạ giá thành vật liệu bán dẫn.
Giới phân tích nhận định, các thiệt hại của ASML có thể được giới hạn không quá 4% tổng doanh thu. Bản thân Wennink cũng khẳng định việc hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng mục tiêu tăng gấp đôi doanh số bán hàng công ty vào năm 2025.
Một chiếc máy ASML có kích cỡ bằng chiếc xe bus trị giá khoảng 170 triệu USD. Nếu nó không được bán tại Trung Quốc, sẽ có những người mua sẵn sàng chi tiền, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đều đang tìm cách đưa những cấu thành quan trọng về trong nội địa, đảo ngược một số khía cạnh của toàn cầu hoá.
(Theo Bloomberg)