Ngay đầu năm mới, truyền thông đã đưa tin Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đạt thỏa thuận ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ và thiết bị sản xuất chip. Đây là đòn mới giáng xuống tham vọng phát triển bán dẫn của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden còn được cho là cân nhắc mở rộng lệnh cấm vận với Huawei.
Trong báo cáo 10 rủi ro ngoại lai hàng đầu của Trung Quốc năm 2023, Trung tâm Chiến lược và An ninh quốc tế (CISS) cũng cảnh báo áp lực tiếp diễn từ Washington. Báo cáo nêu, “Mỹ sẽ tận dụng tối đa khác biệt về ý thức hệ và lo ngại về an ninh để thuyết phục hoặc đe dọa các đồng minh áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bán dẫn chặt hơn đối với Trung Quốc”. Nó thậm chí có thể mở rộng sang những lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, nhiên liệu sạch, hệ thống hạt nhân, y tế.
Dù Washington, Tokyo và Amsterdam chưa chính thức tiết lộ thông tin về thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu, người ta suy đoán rằng một số hệ thống máy in thạch bản cực tím (DUV) ArF Immersion của hãng ASML Holding sẽ bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Những chiếc máy này cho phép xử lý in thạch bản từ 45nm đến 7nm.
ASML đứng đầu thế giới về thiết bị sản xuất chip với gần 90% thị phần máy cực tím tiên tiến mà họ đã ngừng bán cho Bắc Kinh từ năm 2019. Nỗ lực của Mỹ cũng phủ bóng lên triển vọng của các nhà cung ứng máy móc DUV khác của Nhật Bản như Nikon, Canon.
Theo các nhà phân tích tại hãng tư vấn Anboud, việc triệt phá ngành bán dẫn đã đánh bài điểm yếu công nghệ Trung Quốc. Họ nhận xét thòng lọng quanh cổ ngành bán dẫn Trung Quốc sẽ ngày một chặt hơn sau thỏa thuận giữa ba nước nói trên. Nó dẫn đến bước lùi đáng kể đối với phát triển chip tại Đại lục. Chuyên gia Mo Dakang còn cho biết có quá nhiều bất ổn khi lợi ích của những nước liên quan thường xuyên thay đổi.
Trong một tuyên bố ngày 28/1, ASML nói sẽ mất thời gian để chính phủ các bên hoàn thiện quy định kiểm soát xuất khẩu và thi hành luật. Công ty cam kết thảo luận với nhà chức trách về tác động tiềm tàng đến chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Một yếu tố khác cần xem xét, theo Arisa Liu – nhà nghiên cứu bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu kinh tế Đài Loan, là Mỹ sẽ bù đắp thiệt hại cho các công ty bị ảnh hưởng như thế nào. Doanh số thiết bị bán dẫn của doanh nghiệp Hà Lan và Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc không hề nhỏ. Nó sẽ quyết định thỏa thuận này có kéo dài được lâu hay không.
Dù đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các công ty bán dẫn Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi Mỹ tích cực hạn chế họ tiếp cận công nghệ chip hiện đại. Tháng 10/2022, chính quyền Mỹ mở rộng lệnh cấm xuất khẩu nhằm làm suy yếu năng lực sản xuất bán dẫn hay mua chip tiên tiến từ nước ngoài của Trung Quốc. Những quy định này khiến Bắc Kinh chỉ có thể sản xuất chip 14nm, DRAM 18nm và chip 3D NAND 128 lớp là cao nhất.
Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn để trả đũa. Chẳng hạn, Trung Quốc không thể trừng phạt Apple, Tesla, Intel vì cần tới công nghệ, việc làm, phát triển kinh doanh và sự hỗ trợ của họ tại Washington. Vì vậy, nước này chỉ có thể phản ứng thông qua tài trợ và hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước.
Phản ứng mạnh mẽ nhất cho tới nay của Trung Quốc là đệ đơn khiếu nại lên cơ quan dàn xếp tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
(Theo SCMP)