Cuộc điện thoại giữa 2 vị giám đốc, chuyên ngành phụ sản, ở hai điểm cầu cách nhau gần 500km, giúp 2 bé gái thoát khỏi cảnh đau đớn hàng tháng do những bất thường vùng kín.
Những ca phẫu thuật lần đầu được thực hiện ở viện miền núi nhờ Telehealth
Bệnh nhân nữ, 14 tuổi, vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai hôm 10/8 trong tình trạng đau bụng theo chu kỳ 3 tháng nay, đau tức vùng hạ vị tăng lên. Thầy thuốc phát hiện buồng tử cung bệnh nhân có khối dịch kích thước 6x8 cm, âm đạo "chột" (nghĩa là tình trạng cổ tử cung thông vào âm đạo dị dạng bị bịt kín).
Xác định đây là ca bệnh phức tạp, Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai đã liên hệ và hội chẩn qua ứng dụng Telehealth (khám chữa bệnh từ xa) với PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, nơi cách Lào Cai gần 500km.
Qua trao đổi và các hình ảnh siêu âm, chụp CT, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị bất thường cấu trúc âm đạo, được chỉ định mổ thông tạo hình âm đạo.
Ca mổ diễn ra ngày 13/8, do bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Nguyệt, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai và bác sĩ chuyên khoa II Vũ Văn Sơn, Trưởng khoa Phụ, thực hiện dưới sự hỗ trợ chuyên môn qua Telehealth của bác sĩ Tâm. Sau ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ, bệnh nhân ổn định, tiếp tục được theo dõi.
Đây là ca phẫu thuật thứ 2 tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai được phối hợp thực hiện qua nền tảng Telehealth với sự hỗ trợ chuyên môn từ xa của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.
Ca bệnh đầu tiên là bé gái 12 tuổi, quê Phú Thọ, vào viện hôm 8/8 vì đau nhiều vùng hạ vị, có lúc đau quặn từng cơn. Sau khi khám, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, phát hiện bệnh nhi có bất thường vùng kín, bác sĩ Nguyệt xác định đây là ca bệnh khó. Qua Telehealth, nữ bác sĩ trao đổi và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính với bác sĩ Tâm ở Hải Phòng, đưa ra chẩn đoán bệnh nhân bế kinh do vách ngăn hoàn toàn âm đạo.
Dưới sự hướng dẫn của PGS Tâm từ Hải Phòng, sáng 9/8, ê-kíp bác sĩ ở Lào Cai đã thực hiện thành công ca phẫu thuật mổ mở vách ngăn và tạo hình âm đạo lần đầu tiên thực hiện tại cơ sở y tế này. Sau mổ, sức khỏe của trẻ ổn định.
Chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ Nguyệt cho biết trước đây, những bệnh nhân có chỉ định tạo hình âm đạo sẽ phải chuyển tuyến trên. Hiện nay, được hỗ trợ qua Telehealth, bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai có thể tự tin thực hiện, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí.
Bế kinh do vách ngăn hoàn toàn âm đạo là một bất thường hiếm gặp ở vùng sinh dục nữ. Hàng tháng, dù không chảy máu kinh (do vách ngăn âm đạo làm kinh ứ không thoát ra ngoài theo chu kỳ) nhưng bé gái sẽ bị đau đớn.
Trước đây, bệnh nhi sẽ được "thông tắc" hàng tháng, thậm chí có nơi tư vấn cắt bỏ tử cung cho người bệnh. Ngày nay, các bác sĩ "giải phóng" mổ mở vách ngăn, tạo lại âm đạo cho các bé gái không may gặp bất thường vùng kín này.
Với bệnh âm đạo "chột", được hiểu là cổ tử cung thông vào âm đạo dị dạng bị bịt kín. Đây là dị tật đường sinh dục khá nghiêm trọng, có thể dẫn tới ứ máu kinh và lâu ngày gây viêm nhiễm và vô sinh.
Chuyển giao chuyên môn qua Telehealth để hiệu quả thực chất
Hai ca phẫu thuật trên đây diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến đi thực tế lên Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai của PGS Tâm. Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng nơi ông công tác là cơ sở chuyên khoa phụ sản đầu ngành của khu vực duyên hải Bắc Bộ, có thế mạnh về quản lý thai nghén, chẩn đoán trước sinh, can thiệp mạch...
Đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn qua Telehealth hay "cầm tay chỉ việc" được kỳ vọng sẽ tạo sức bật về chuyên môn cho Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai còn "non trẻ", mới tròn 10 năm thành lập.
Ứng dụng Telehealth được Bộ Y tế triển khai từ giữa năm 2020, tới tận tuyến xã, với hai mục tiêu căn bản. Đó là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; mọi người dân được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
Hiện ngành y tế đã kết nối được gần 2.000 điểm cầu Telehealth từ trung ương đến địa phương, thậm chí bệnh viện ngoài nước. Tại nhiều bệnh viện lớn như Đại học Y Hà Nội, Phụ sản Hà Nội... các cuộc tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với nhiều cơ sở y tế tuyến dưới được thực hiện thường quy, hàng tuần.
Telehealth là một trong những giải pháp chuyển đổi số mà ngành Y tế quyết tâm thực hiện. Trong Kế hoạch triển khai Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa(VTelehealth) năm 2023 được Bộ Y tế ban hành hồi tháng 2, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện công lập triển khai nền tảng khám, chữa bệnh từ xa trong năm nay, nhằm giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng, giảm quá tải.