Lời tòa soạn

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, trước 30/6, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc điện tử. Theo đó, lộ trình này được đặt ra với bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trong năm 2022, trong khi các cơ sở khám chữa bệnh khác (như trạm y tế, các cơ sở y tế tư nhân...) thì muộn hơn, hoàn thành trước tháng 7/2023.

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng đơn thuốc kê tay vẫn còn tồn tại, thậm chí nhiều đơn thuốc khiến bệnh nhân, dược sĩ không thể đọc được. 

Để phản ánh vấn đề này, VietNamNet tạo diễn đàn Vì sao cần "xóa sổ" đơn thuốc viết tay không ai đọc được của bác sĩ. 

“Anh xem hộ em thuốc số 4 bác sĩ viết có phải là Demencur 50 không? Thuốc em thử tìm theo trên mạng lại chỉ có một chữ ‘e’, không như tên thuốc trong đơn bác sĩ kê, nhà thuốc cũng luận mãi”, bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội), chia sẻ câu chuyện "dở khóc dở cười" liên quan đơn thuốc viết tay do một bác sĩ tuyến trung ương kê, anh được người quen nhờ "dịch hộ" hồi đầu tháng 7. Trả lời người này, vị bác sĩ khuyên bệnh nhân nên liên lạc trực tiếp với bác sĩ để hỏi chính xác tên thuốc được kê.

Chữ bác sĩ vốn là chuyện khiến nhiều người "cười ra nước mắt". Trên các diễn đàn nhà thuốc có từ 100.000 đến 250.000 thành viên, nhiều dược sĩ phải nhờ cộng đồng dịch hộ đơn thuốc. Nhiều đơn được bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, đặc biệt là các phòng khám tư, kê bằng tay, khiến không ít người “lắc đầu” chịu thua vì không luận nổi.

Đơn thuốc bác sĩ tuyến Trung ương kê cho người quen bác sĩ Kiên hồi đầu tháng 7, và những lời "nhờ vả" của những người bán thuốc trên các hội nhóm dược sĩ. 

Giải pháp

Để khắc phục tình trạng này, từ nhiều năm nay, tại Hà Nội, nhiều bệnh viện như K, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Huyết học - Truyền máu Trung ương hay Thanh Nhàn, Đức Giang... đã in đơn thuốc cho bệnh nhân.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã thực hiện in đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân từ năm 2008. Cũng như nhiều cơ sở y tế khác, bệnh viện này xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thuốc nội bộ riêng. Khi kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ thao tác trên máy và in ra cho bệnh nhân, đồng thời lưu lại trên hệ thống.

Đơn thuốc điện tử vừa giúp bác sĩ tiết kiệm được thời gian vừa giúp bệnh nhân dễ dàng đọc đơn bác sĩ với đầy đủ tên thuốc, thành phần, liều dùng, cách dùng, không còn cảnh "nhờ dịch, luận đơn". Riêng với bác sĩ hoặc điều dưỡng thực hiện ghi lệnh kê đơn, khi cơ sở dữ liệu thuốc đã có đầy đủ, chỉ cần gõ 2-3 chữ cái đầu sẽ hiển thị rõ ràng các loại thuốc, thành phần thuốc, thay vì phải gõ lại từng ký tự.

Sau khi bác sĩ kê đơn thuốc sẽ in ra để đưa cho bệnh nhân, bệnh án và đơn thuốc điện tử cũng được lưu trên hệ thống của bệnh viện. Ngoài ra, tại nhiều cơ sở y tế, trong 5 ngày sau khi khám, bệnh nhân chỉ cần đưa mã đơn thuốc hoặc mã bệnh nhân cho người bán thuốc của bệnh viện vẫn mua được. Đó là do đơn thuốc được lưu trữ trong hệ thống của bệnh viện.  

Việc kê đơn thuốc điện tử được coi là một trong những nội dung chuyển đổi số của nhiều bệnh viện. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), đơn thuốc sau khi được bác sĩ kê điện tử sẽ được tự động chuyển xuống quầy thuốc qua hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS).

Nhân viên quầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Thạch Thảo 

Trong thời gian bệnh nhân di chuyển từ phòng khám, làm thủ tục thanh toán, nhận lại thẻ BHYT, nhân viên quầy thuốc của bệnh viện đã chuẩn bị sẵn thuốc do đã nhận được đơn từ bác sĩ. Vì thế, bệnh nhân không cần đưa đơn thuốc tới dược sĩ và tiếp tục mất thêm thời gian chờ đợi.

Nhờ vậy, thời gian cấp phát thuốc được rút ngắn từ trung bình khoảng 12 phút xuống còn hơn 1 phút/bệnh nhân, dù bệnh viện này mỗi ngày đón từ 1.500-1.700 bệnh nhân khám và chỉ có 2 cửa cấp phát thuốc.

Vì sao đơn thuốc viết tay vẫn tồn tại?

Trao đổi với VietNamNet, một bác sĩ ở bệnh viện hạng 1 ở Hà Nội cho rằng tình trạng đơn thuốc điện tử và đơn thuốc bằng tay vẫn tồn tại song song trong hầu hết bệnh viện, thậm chí cả bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều hơn ở bệnh viện hạng 2, 3. Tuy nhiên, đơn thuốc bằng tay ngày càng ít gặp.

Điều này do các vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu hoặc kho thuốc nội bộ của bệnh viện không có loại thuốc/vật tư mà bác sĩ cho rằng cần thiết phải dùng để phối hợp điều trị hiệu quả. Những thuốc này sẽ được kê đơn bằng chữ viết tay.

Một số nơi, đơn viết tay được kê cho bệnh nhân khám dịch vụ, với các thuốc ngoài danh mục BHYT chi trả, trong khi thuốc do BHYT chi trả được kê đơn trong đơn thuốc điện tử. Ngoài ra, thực tế cho thấy vẫn còn đơn thuốc được kê tay trong sổ khám bệnh, sổ y bạ. Theo vị bác sĩ này, tình trạng này còn tồn tại là do tính thuận tiện.

“Có thể bác sĩ vừa ghi kết quả chẩn đoán bệnh nên tiện ghi luôn đơn thuốc vào sổ khám bệnh, sổ y bạ, để người bệnh không ‘đánh rơi’ tờ đơn thuốc rời, cũng như để các bác sĩ khác theo dõi quá trình điều trị trong các lần đi khám tiếp theo của bệnh nhân”, vị bác sĩ chia sẻ.

Đơn thuốc điện tử là xu thế tất yếu

Nhận định tình huống bệnh nhân, dược sĩ gặp khó khăn khi đọc chữ bác sĩ, tại nhiều cơ sở y tế, như Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, bên cạnh đơn thuốc BHYT cấp phát có sẵn ngay trên hệ thống, nếu bệnh nhân khám dịch vụ, bệnh viện yêu cầu các bác sĩ đánh trên máy tính rồi in ra, tránh trường hợp bệnh nhân hoặc người bán thuốc đọc/bán nhầm tên thuốc. Đơn được kẹp ghim vào sổ y bạ, tránh tình trạng bệnh nhân lạc mất đơn.  

Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng đơn thuốc điện tử là xu thế tất yếu, nhưng muốn "khai tử" đơn thuốc viết tay thì hệ thống cơ sở dữ liệu thuốc nội bộ phải đầy đủ, cập nhật liên tục các loại thuốc; hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuốc quốc gia để liên kết tất cả dữ liệu thuốc từ bệnh viện đến nhà thuốc.

Y tế là một trong những lĩnh vực trọng yếu của chuyển đổi số quốc gia, do vậy việc sớm áp dụng đơn thuốc điện tử là điều cần thiết. Theo Thông tư 04 do Bộ Y tế ban hành năm 2022, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Cụ thể, bệnh viện từ hạng 3 trở lên (thường là các bệnh viện tuyến huyện hoặc tương đương trở lên) sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2022; các cơ sở khám, chữa bệnh khác (như trạm y tế, các cơ sở y tế tư nhân...) hoàn thành trước 30/6/2023.

Trao đổi với VietNamNet tại một hội thảo chuyển đổi số y tế, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.

“Đơn giản nhất là đơn thuốc hay bệnh án điện tử. Nếu chuyển từ viết tay sang đánh máy, người dân không còn phải đau đầu dịch đơn thuốc, cũng không còn sự so sánh chữ bác sĩ xấu như gà bới”, PGS Khuê chia sẻ.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn; dự trù, lập kế hoạch số lượng thuốc cho từng năm/giai đoạn; quản lý sử dụng kháng sinh, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh…

Việc áp dụng đơn thuốc điện tử được đánh giá giúp chuẩn hóa, nâng cao chất lượng kê đơn của đội ngũ bác sĩ. Bên cạnh đó, khi đơn có trên hệ thống quốc gia sẽ giảm tình trạng một đơn thuốc kê lại cho nhiều người cùng dùng. Cơ quan quản lý cũng có thêm cơ sở dữ liệu quốc gia về kê đơn dịch vụ không BHYT, hạn chế đơn thuốc dịch vụ trôi nổi, thiếu kiểm soát.