“Đong kim cương bằng lon sữa”
Sau chiều mưa, trông từ xa, chung cư Tôn Thất Đạm (Quận 1, TP.HCM) như tấm bìa carton sũng nước. Bên trong một căn hộ nhỏ của chung cư này, bà Đoàn Thị Điệp (SN 1955, quê tỉnh Khánh Hòa) nhấc chiếc ghế xích lại gần hơn cái giường sắt kê sát tường.
Đó là nơi cô Ba Kia nằm dưỡng bệnh. Đã hơn chục năm nay, cô Ba không thể tự đi lại và phải nằm một chỗ. Nhưng cô Ba vẫn là nhân vật “nổi tiếng” bậc nhất khu chưng cư cổ nhất nhì TP.HCM này. Những câu chuyện về cô Ba Kia vẫn tươi mới, hấp dẫn như nhan sắc cô thời son trẻ.
Người dân sinh sống tại chung cư truyền tai nhau là: “Thời xuân sắc, cô Ba Kia rất đẹp”; “Tròn 20 tuổi, cô đã lấy được bằng do người Pháp cấp”; “Cô thông thạo tiếng Pháp, đánh máy văn bản bằng tiếng Pháp “nhanh như gió”".
Tài giỏi, xinh đẹp, cô lọt mắt xanh của ông bộ trưởng chế độ cũ. Dù chỉ làm lẽ, cô Ba vẫn được chồng mua cho cả biệt thự, chu cấp tiền bạc...
Cho đến bây giờ, cô Ba Kia vẫn được đồn đoán là người giàu có nhất khu chung cư được xây dựng từ những năm 1886. Thậm chí, nhắc đến cô Ba Kia, người dân ở đây lại nhắc đến giai thoại cô có “hột xoàn đầy nóc nhà”, “tiền đô nhét đầy tường gạch”, "đong kim cương bằng lon sữa"...
Cô Ba Kia tên thật là Nguyễn Thị Kia (SN 1928). Cô vẫn hay đùa rằng, cái tên ấy xấu xí quá, hệt như đoạn đời truân chuyên của mình. Đã gần 100 tuổi, cô Ba Kia vẫn đủ minh mẫn để kể lại, đính chính những truyền kỳ, đồn đoán của mọi người về mình.
“Việc người ta đồn tôi nói tiếng Pháp, đánh máy chữ Pháp “nhanh như gió” là thật. Chuyện tôi lấy ông bộ trưởng cũng đúng luôn. Nhưng chuyện tôi có hột xoàn đầy nóc nhà, “tiền đô” nhét đầy tường gạch là người ta nói thêm thôi”, cô Ba Kia khẳng định rồi từ từ kể lại chuyện đời mình.
Thời son trẻ, cô Ba Kia nhan sắc hơn người. Cô học trường Gia Long và rất giỏi tiếng Pháp. Trong một lần làm thuê cho công ty của Pháp, cô Ba Kia vô tình bắt gặp một ông bộ trưởng của chế độ cũ.
“Đó là lần ông ấy mới từ Pháp trở về. Ông thương tôi vì thấy tôi giỏi nhưng nghèo quá. Ông mua cho tôi căn biệt thự ở đường Phan Đình Phùng. Tôi có với ông 2 đứa con trai”.
“Khi miền Nam giải phóng, ông đi cải tạo. Cải tạo xong, ông vượt biên, sang Pháp. Ngày ông đi, tôi và con cũng không hề hay biết. Mãi đến khi ông thư từ về, tôi mới hay tin. Dẫu vậy, ông vẫn gửi tiền về cho tôi nuôi con”, cô Ba Kia nhớ lại.
Xa chồng, phải nuôi 2 đứa con, cô Ba Kia mưu sinh bằng nghề đánh máy. Cô được một công ty lớn nhận vào làm việc với chế độ đãi ngộ tốt. Dẫu vậy, cô vẫn khẳng định mình không có nhiều đô la, kim cương như người đời đồn thổi.
“Hồi đó, ba chục ngàn là mua được hột xoàn rồi. Nhưng tôi chỉ có một ít nữ trang thôi chứ không nhiều như người ta đồn thổi”, cô nói. Chuyện này cũng được bà Điệp xác nhận.
Lắm nỗi truân chuyên
Ngày đến nhà cô Ba Kia, bà Điệp cũng bị lời đồn “hột xoàn đầy nóc nhà” làm cho giật mình. Bà lo sợ người ta nghĩ mình chỉ chăm chăm vào số “hột xoàn”, “tiền đô” của cô Ba Kia.
Thế nhưng, suốt 16 năm chăm sóc cụ bà, bà Điệp chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ “hột xoàn” nào. Bà chỉ thấy một cô Ba Kia với cuộc đời lắm nỗi truân chuyên.
Ngày biết tin chồng vượt biên sang Pháp, cô Ba Kia như chết trong lòng. Cô tìm mọi cách, quyết vượt biên sang Pháp để được đoàn tụ cùng chồng.
Cứ thế, nữ trang, căn biệt thự mặt phố dần tan biến theo quyết tâm vượt biên của cô. Trong khi đó, tin tức về người chồng tha hương cũng mỗi ngày một ít.
Khi đã cạn kiệt tiền của lẫn sức lực, cô Ba chết lặng khi nghe tin ông đã yên ổn cùng người vợ bên Pháp. “Sau tin ấy, cô Ba Kia không nuôi khát vọng vượt biên nữa. Cô Ba ở vậy nuôi 2 đứa con một mình. Ấy vậy mà cô Ba vẫn chưa hết khổ”, bà Điệp nói.
Những năm 1990, cô Ba Kia thôi hẳn ý định vượt biên để tập trung vào việc nuôi dạy con. Cô Ba làm việc cho một công ty bảo hiểm nổi tiếng tại TP.HCM. Công ty này cho cô Ba tạm sử dụng một căn hộ trong chung cư Tôn Thất Đạm.
Tuy nhiên, ở tuổi trưởng thành, hai con trai của cô Ba Kia liên tục gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống. Cả hai chán nản, chọn cách quên nỗi buồn bằng hơi rượu mạnh. Cuối cùng, hai người lần lượt qua đời khi chưa đầy 30 tuổi. Cô Ba Kia lại vò võ một mình.
Tuổi già kéo đến, cô Ba Kia mang xô, chậu xuống góc cầu thang chung cư ngồi bán cà phê vợt. Thu nhập bấp bênh nhưng đủ cho cô đắp đổi qua ngày. Mãi cho đến lúc tay chân yếu, mắt lòa không thấy đường, cô Ba Kia mới nghỉ bán, dọn đồ lên nhà.
Bà Điệp kể: “16 năm trước, cô con dâu bị tai biến của cô Ba Kia quay về, xin nương tựa cô Ba. Thương con đau bệnh, cô Ba nhận chăm nom. Cô đã cực, giờ lại càng cực thêm. Sau đó, con trai của cô này, tức là cháu nội của cô Ba Kia nhận nhiệm vụ gửi tiền nuôi mẹ”.
“Nhưng chừng 5 năm trở lại đây, người này bỗng nhiên mất tích, không tin tức gì. Lúc đó, cô con dâu của cô Ba Kia mới nói là mình còn một người con gái lớn. Không còn cách nào khác, tôi nhờ người ta đăng thông tin tìm người lên mạng. May sao, cô ấy đọc được tin, hàng tháng gửi ít tiền về nuôi mẹ”, bà Điệp kể thêm.
Về phần cô Ba Kia, những ngày cuối đời bệnh tật, nghèo khó đều trông chờ vào sự hỗ trợ của những người xung quanh. Cô Ba nhờ bà Điệp ngăn đôi căn nhà làm hai. Một nửa, cô Ba cho thuê để có tiền trang trải.
Nửa còn lại, cô Ba để làm nơi kê 2 chiếc giường sắt. Một giường bà dành cho cô con dâu bị tai biến, chỉ nằm liệt giường. Một giường, cô dành riêng cho mình nằm chờ ngày tàn hơi.
Bài, ảnh: Hà Nguyễn