Kỳ 1: Cuộc đời người phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp, giàu có ở Sài Gòn xưa
Chăm “đại gia” không công
Sau cánh cửa kính ố màu của căn hộ nằm ở tầng 1 khu chung cư Tôn Thất Đạm (quận 1, TP.HCM), bà Đoàn Thị Ngọc Điệp (SN 1955, quê tỉnh Khánh Hòa) ngồi lặng im trên chiếc ghế gỗ. Trước mặt bà là 2 chiếc giường sắt, nơi dưỡng bệnh của 2 người phụ nữ đã không thể tự lo cho mình.
Suốt 16 năm qua, ngày nào bà Điệp cũng quẩn quanh với công việc thay tã, vệ sinh, đút ăn, bón nước, tiêm thuốc… cho 2 con người không cùng huyết thống. Trông cách bà ân cần chăm sóc, ai cũng lầm tưởng, bà là con, em của 2 người bệnh.
Bà Điệp nói: “Nằm bên trong, sát tường là cô Ba Kia, người nổi tiếng ở chung cư Tôn Thất Đạm này. Bên ngoài là giường của con dâu cô Ba. Cô này bị tai biến, chỉ nằm liệt giường, phải ăn uống qua đường ống gắn trên mũi”.
Cô Ba Kia tên thật là Nguyễn Thị Kia (SN 1928). Đến tận bây giờ, người dân ở khu chung cư cũ này vẫn kể về cô Ba Kia bằng nhiều câu chuyện ly kỳ. Người ta nói rằng, ngày xưa, cô Ba Kia là đại gia. Cô Ba ở biệt thự mặt phố và có nhiều kim cương đến nỗi phải đong bằng những lon sữa Guigoz của Pháp. Khi đến nhà cô Ba Kia giúp việc, bà Điệp bỗng nhiên được đồn là người chăm bệnh cho bậc đại gia với mức lương đáng mơ ước.
Ấy nhưng sự thật lại không phải như vậy. Bây giờ, cô Ba Kia nghèo rớt mồng tơi. Và, suốt 16 năm qua, bà Điệp không nhận một đồng lương nào từ việc chăm sóc, nuôi bệnh cô Ba. Bà làm việc ấy chỉ vì thương cô Ba không nơi nương tựa lúc cuối đời.
Bà Điệp chia sẻ: “16 năm trước, tôi đến chung cư để chăm sóc cô con dâu bị tai biến của cô Ba Kia. Tôi không hề được thuê đến để nuôi bệnh cô Ba. Không ai trả lương cho tôi để làm việc đó cả”.
“Nhưng khi đến đây, tôi thấy cô Ba không có ai chăm lo. Tôi thương quá, tự nguyện chăm sóc cho cô luôn. Giúp được gì cho cô ấy thì giúp, chứ lấy tiền, cô Ba lấy đâu ra mà trả”, bà Điệp nói thêm.
Trước đó, bà Điệp chưa từng nghĩ sẽ đi làm nghề giúp việc cho người ta. Ngoài quê, bà có ruộng vườn thênh thang để canh tác. Thế nhưng khi quê nhà lên cơn sốt nuôi tôm sú, bà cũng đổ vốn, lao theo.
Cuối cùng, chuyện làm ăn của bà thua lỗ. Tiền, vàng trôi theo mấy mùa tôm thất bát, bà ly hương vào TP.HCM làm nghề giúp việc. Tại bệnh viện, bà gặp cháu nội của cô Ba Kia tìm người chăm sóc mẹ ruột mình đang bị tai biến.
“Giúp đến khi sức khỏe còn cho phép”
Bà Điệp nghĩ “chỉ có thể vào gia đình người ta, ăn cơm của người ta thì mới bảo toàn được những đồng lương mình kiếm được”. Thế nên, bà đồng ý đến căn chung cư ọp ẹp, tối tăm, chất đầy những vật dụng không còn giá trị chăm người bệnh với số tiền lương ít ỏi.
Để có không gian tốt hơn cho người bệnh, bà Điệp tự tay dọn dẹp, sắp xếp lại đống đồ cũ nát. Bà mua giường, chiếu, chăn màn mới cho cô Ba Kia và người con dâu của cô nằm.
Mỗi ngày, xen kẽ việc chăm sóc, thuốc thang cho người bệnh, bà Điệp dành phần thời gian còn lại của mình chăm lo việc ăn uống cho cô Ba Kia. Bà cũng cố gắng trò chuyện, tâm sự với cô Ba để cụ bà vơi bớt cảm giác trống vắng.
Bỗng một ngày, người cháu nội của cô Ba Kia bặt vô âm tín. Ba người phụ nữ vốn chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi hàng tháng từ người này gửi phút chốc lao đao. Không thể bỏ rơi 2 con người không còn nơi nương tựa, bà Điệp ở lại, bỏ tiền túi nuôi cơm.
Để cầm cự, cô Ba Kia nhờ bà Điệp gọi thợ, chia căn nhà của mình làm 2. Một nửa cô Ba cho thuê lấy tiền trang trải. Góc nhỏ còn lại, bà dành làm nơi để kê 2 chiếc giường cho mình và đứa con dâu chỉ nằm một chỗ dưỡng bệnh.
Bà Điệp chia sẻ: “Tôi nghe nói cậu cháu nội của cô Ba Kia làm ăn thua lỗ rồi bỏ đi biệt tích. 5 năm nay, cậu ấy không tin tức gì. May mà tôi liên lạc được chị gái của cậu này đang ở nước ngoài. Biết tình hình như vậy, hàng tháng cô ấy gửi về 6 triệu đồng để trả lương tôi chăm sóc cho mẹ của mình”.
Sau nhiều năm gắn bó, cùng nhau vượt qua khó khăn, cô Ba Kia thương yêu, tin tưởng bà Điệp như người trong nhà. Khi được hỏi, bà rưng rưng nước mắt nói rằng, nếu không có lòng tốt của bà Điệp, không biết những năm tháng cuối đời của mình và đứa con dâu sẽ về đâu.
Trong khi đó, bà Điệp cũng xót xa trước cảnh tình của 2 người phụ nữ cô quạnh. Thế nên, ngay khi con cái thành đạt, có thể về quê hưởng già, bà vẫn không nỡ rời bỏ căn chung cư cũ cùng 2 người phụ nữ đáng thương.
Bà Điệp chia sẻ: “Bây giờ, các con tôi đều thành đạt, có cửa nhà, công ty riêng. Chúng không muốn tôi vất vả nữa. Chúng muốn tôi về quê, nhất là bây giờ chồng tôi lại bị đau cột sống”.
“Thế nhưng, khi đến đây thăm tôi, thấy hoàn cảnh cô Ba Kia và cô con dâu như thế, chồng, các con tôi không đành lòng kêu tôi về nữa. Ông và các con tôi đều đồng ý để tôi ở lại chăm sóc 2 người. Phần tôi, tôi sẽ chăm sóc 2 người cho đến khi nào sức khỏe của mình còn cho phép”, bà Điệp khẳng định.
Tuy vậy, để tròn đạo hiếu với mẹ già, tình nghĩa vợ chồng, mỗi năm vào dịp lễ Tết, bà Điệp đều rời TP.HCM về quê thăm gia đình. Vào những ngày này, bà bỏ tiền túi để thuê người khác đến chăm sóc cô Ba Kia và con dâu của cô.
Tiền chăm 2 người này/ngày nhiều khi còn đắt gấp đôi một ngày lương của bà Điệp. Nhưng bà chưa bao giờ suy nghĩ về chuyện này.
Điều bà lo lắng là cô Ba sẽ không vui. “Tôi ở với cô đã lâu nên hiểu được tâm tính của cô để biết cách chiều. Tôi sợ người khác chưa quen, cô không chịu và sẽ buồn”, bà Điệp chia sẻ.
Bài, ảnh: Hà Nguyễn