Tiếp tục đà bứt phá kéo dài nhiều tháng qua, cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long và Tôn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ tiếp tục lập các đỉnh cao mới. Đây là 1 giai đoạn song hành đầy thú vị của 2 đại gia ngành tôn thép Việt Nam.

Tính tới cuối phiên giao dịch ngày 18/11, cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long tăng thêm 3,7% lên 34.600 đồng/cp. Đây là mức giá cao lịch sử kể từ khi cổ phiếu này lên sàn hồi tháng 11/2007.

Đây cũng là phiên thứ 5 liên tiếp, cổ phiếu HPG lập đỉnh cao lịch sử mới. Trước đó, HPG liên tục tăng giá. Tính từ cuối tháng 3 cho tới nay, cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long đã tăng gần 2,5 lần từ mức 13.900 đồng lên 34.600 đồng/cp như hiện tại.

Cú bứt phá mạnh giúp vốn hóa của HPG tăng thêm vài tỷ USD lên mức 114,6 nghìn tỷ đồng (4,9 tỷ USD). Túi tiền của tỷ phú Trần Đình Long cũng tăng vọt thêm 800-900 triệu USD lên mức 1,7 tỷ USD theo tính toán của Forbes tới cuối ngày 18/11.

Cổ phiếu Tôn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ cũng tăng vọt lên đỉnh cao trong gần 3 năm qua. Cổ phiếu HSG tăng mạnh gần 5 lần từ mức khoảng 4.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi cuối tháng 3 lên mức 19.000 đồng/cp như hiện tại.

Cổ phiếu HSG tăng mạnh sau khi Tập đoàn Hoa Sen trở lại “câu lạc bộ” lãi nghìn tỷ đồng, bất chấp doanh nghiệp này trước đó rút khỏi siêu dự án thép Cà Ná có quy mô 10 tỷ USD (10 triệu tấn thép/năm) và chủ tịch tập đoàn này ông Lê Phước Vũ quy y Tam Bảo sau một thời gian dài lên núi sống tĩnh tâm.

Không chỉ HPG và HSG, nhiều cổ phiếu ngành thép khác cũng tăng mạnh như Thép Nam Kim (NKG), Thép Pomina (POM), Thép Tiến Lên (TLH), Thép Việt - Ý (VIS), VNSteel (TVN)… Trong đó nhiều mã tăng trần vài phiên phiên liên tiếp.

{keywords}
Ông Trần Đình Long.

Sở dĩ các cổ phiếu ngành thép tăng mạnh là nhờ hưởng lợi kép từ trong và ngoài nước. Thông tin Việt Nam hội nhập sâu rộng với hiệp định mới RCEP bao gồm 15 nước: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, ký kết sáng 15/11/2020 đã mang tới triển vọng sáng sủa cho ngành này.

Với sự hiện diện của Trung Quốc trong RCEP, các doanh nghiệp thép Việt sẽ bớt khó khăn về vấn đề quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP.

Các doanh nghiệp ngành thép, đặc biệt là HPG hưởng lợi lớn từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long gần đây cũng có lợi thế sau khi ký hợp đồng xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc với Tập đoàn CIEC Hàng Châu với sản lượng 120.000 tấn thép tương đương với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 3, con trai ông Trần Đình Long mua hàng chục triệu cổ phiếu HPG. Với mức tăng giá gấp gần 2,5 lần, khối tài sản của thiếu gia này tăng mạnh.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 19/11, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng và đã lên trên ngưỡng 975 điểm.

Theo BVSC, VN-Index vẫn được dự báo sẽ có thể gặp áp lực rung lắc mạnh khi tiếp cận vùng kháng cự 980-990 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Diễn biến tích cực của thị trường thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ cho xu thế đi lên của thị trường trong nước. Mặt khác, nhà đầu tư cũng sẽ bắt đầu hướng sự chú ý nhiều hơn đến các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, BVSC cũng lưu ý rằng, ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 11 diễn ra vào ngày mai có thể sẽ làm cho thị trường xuất hiện các nhịp biến động mạnh về cuối phiên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/11, VN-Index tăng 4,63 điểm xuống 973,53 điểm; HNX-Index tăng 0,22 điểm lên 146,8 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 65,88 điểm. Thanh khoản đạt 11,3 nghìn tỷ đồng.

V. Hà