Tờ Daily Mail dẫn lời Anna Zaitseva nói, vào ngày thứ 25, những người trú ẩn cùng cô ở boongke bên dưới nhà máy Azovstal tại ngoại ô thành phố Mariupol, bắt đầu tuyệt vọng. Do khu phức hợp này bị quân đội Nga oanh tạc mỗi ngày, nguồn cung cấp cháo, mỳ và súp ngày càng thưa thớt.
Anna, trú ẩn tại đây cùng gia đình, chỉ ăn mỗi ngày một lần. Ngày tháng trôi qua và tình trạng khó khăn của họ ngày càng nghiêm trọng hơn, cô và mẹ Larisa đều sụt gần chục cân. Cha cô Oleg sụt 20kg. Tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng tới mức một số phụ nữ bắt đầu rụng răng và các cuộc cãi vã nổ ra quanh việc ai được nhận cái gì.
Anna kể: "Đôi khi tôi giả vờ rằng mình không đói và ăn ít hơn, để có thể đưa thêm cho bố và mẹ tôi". Anna và gia đình hiện ở một khách sạn tại Zaporizhzhia, cách nhà máy Azovstal - nơi cô gọi là hố địa ngục, 225km. Anna và gia đình sống trong boongke bên dưới nhà máy Azovstal trong 8 tuần.
Hoàn cảnh của Anna khó khăn hơn nhiều khi phải chăm sóc con trai Svyatoslav mới 6 tháng tuổi. "Chúng tôi dùng một số cây nến để đun nóng nước pha sữa công thức cho bé. Vì không có nước sạch nên chúng tôi phải dùng nước mưa hoặc tuyết tan".
Svyatoslav là một trong số 18 đứa trẻ sống trong boongke bên dưới nhà máy Azvostal. Càng đói, lũ trẻ càng bị ám ảnh bởi đồ ăn. "Lúc nào chúng cũng vẽ các bức tranh về đồ ăn hoặc chơi đùa như thể chúng đang ở trong siêu thị và luôn miệng hỏi: Anna, cô có muốn mua cà chua không, cô có muốn mua táo không?".
Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt, những người đàn ông sẽ leo lên cầu thang xoắn ốc dẫn lên mặt đất để lấy nước mưa từ các vũng nước. Đây là một việc làm rất nguy hiểm vì quân Nga dùng máy bay không người lái giám sát mọi động thái ở nhà máy Azovstal.
Anna kể: "Có một người bị thương rất nặng, nhưng chúng tôi hầu như không có thuốc men gì. Chân anh ấy bị găm những mảnh vỡ của bom và gần như không còn cảm giác gì nữa. Nhà vệ sinh duy nhất có thể dùng được nằm ở tầng trệt, có nghĩa là ngay cả những thứ đơn giản như đi vệ sinh cũng có nguy cơ tử vong. Phần đó của tòa nhà có thể bị pháo kích bất cứ lúc nào. Hầu hết các bức tường đều đã trở thành đống đổ nát. Mỗi khi có một vụ nổ, mọi thứ lại rung lên".
Để vượt qua khó khăn, Anna hát cho con nghe và mơ về thời gian hạnh phúc với chồng Kirill, 22 tuổi, một cựu binh đã tái nhập ngũ sau khi Nga tấn công Ukraine. "Tôi thường nghĩ tới tuần trăng mật với chồng và nhớ lại đám cưới để không nghĩ về những điều tồi tệ".
Ngoài những tiếng nổ, âm thanh duy nhất phát ra là từ chiếc máy phát điện nhỏ - nguồn cung cấp ánh sáng yếu ớt nhưng quý giá. Đây là niềm an ủi cho bé Svyatoslav. Anna nói: "Lúc nào tôi cũng cảm thấy có lỗi. Ở đây không phải là quyết định của con tôi".
Hy vọng của họ ngày càng giảm và sự thất vọng lại tăng lên sau khi lời hứa về các hành lang nhân đạo rời nhà máy không diễn ra như cam kết. Tuy nhiên, tới 30/4, những lời cầu nguyện của họ đã trở thành hiện thực. Một cuộc sơ tán đã diễn ra. Anna cho biết cô rất vui khi cảm nhận được gió lùa vào tóc và ánh nắng ấm áp của mặt trời trên da, lần đầu tiên sau hai tháng ẩn náu dưới lòng đất.
Hoài Linh