Giữa thế giới hiện đại, cận thị đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán đến năm 2050, có tới 50% dân số sẽ bị cận thị và gần 1 tỷ người bị cận thị nặng. Nhóm quốc gia có tỷ lệ cận thị cao nhất là Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đáng chú ý, trẻ em là đối tượng có tốc độ cận thị tăng nhanh và cần được sự quan tâm đặc biệt.
Bên cạnh yếu tố di truyền thì việc sử dụng các thiết bị điện tử ngày càng nhiều, áp lực học hành, tư thế ngồi học không đúng, nhìn trong điều kiện thiếu ánh sáng… khiến mắt của trẻ phải chịu nhiều áp lực hơn, từ đó làm gia tăng tình trạng cận thị.
Cận thị không chỉ đơn thuần là vấn đề về thị lực mà còn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Trẻ em bị cận thị có thể gặp khó khăn, hạn chế trong việc tham gia các hoạt động thể thao, cảm thấy tự ti khi phải đeo kính, thậm chí còn ảnh hưởng đến kết quả học tập. Thị lực không tốt có thể làm giảm tập trung và sự tham gia tích cực trong lớp học, dẫn đến hiệu quả học tập kém.
Nếu không được phát hiện và can thiệp, mức độ cận của mắt ngày càng tăng, có thể dẫn đến biến chứng thoái hóa sắc tố võng mạc, bong võng mạc gây mù lòa, ảnh hưởng sức khỏe tâm lý, gây trầm cảm cho người bệnh.
Nhận thức được sự cấp bách của vấn đề này, tác giả Ohishi Hiroto đã viết cuốn sách Bảo vệ mắt con trong thời đại siêu cận thị nhằm cung cấp cho các bậc phụ huynh những kiến thức khoa học giúp bảo vệ thị lực cho con em mình.
Hai chương đầu của cuốn sách, tác giả phân tích chi tiết về tình trạng cận thị ngày càng gia tăng ở trẻ em, cũng như biến chứng nguy hiểm mà chứng cận thị có thể gây ra cho trẻ; trong đó có không ít thông tin mà nhiều cha mẹ chưa biết.
Ở chương tiếp theo, tác giả cung cấp thông tin về một số biện pháp phòng chống cận thị và điều trị mới nhất trên thế giới. Hai phương pháp đáng lưu ý là “điều trị mới làm ức chế quá trình tiến triển của cận thị” và “điều trị cận thị dựa trên cách thay đổi thói quen sinh hoạt”. Trong đó việc điều trị cận thị dựa trên cách thay đổi thói quen sinh hoạt với những hướng dẫn chi tiết hoàn toàn là điều các phụ huynh có thể áp dụng ngay lập tức để mang lại thay đổi tích cực cho con mình.
Ở chương cuối của cuốn sách, Ohishi Hiroto đưa ra cảnh báo và hướng dẫn cụ thể để hóa giải việc điều chỉnh cận thị quá mức làm cho tình trạng cận thị ở con trẻ trở nên xấu hơn. Cụ thể, việc đeo kính bị điều chỉnh quá mức sẽ làm cận thị ngày càng tiến triển. Cha mẹ cần lưu ý yêu cầu cắt kính cho con có số độ sao cho kính có khoảng cách nhìn thấy dễ dàng bằng khoảng cách nhìn thường xuyên.
Bảo vệ mắt con trong thời đại siêu cận thị thực sự là cuốn cẩm nang hữu ích dành cho các bậc cha mẹ trong hành trình đồng hành cùng con gìn giữ cửa sổ tâm hồn.
Thiên Di