Sự phát triển nhanh chóng và ảnh hưởng sâu rộng của thiết bị kỹ thuật số đối với cuộc sống hiện đại đang khiến xã hội bối rối. Bên cạnh những mặt tích cực dễ nhìn thấy, smartphone cùng các tiện ích xung quanh cũng có mặt trái đáng lo ngại, tác động xấu đến người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Đây là chủ đề chính trong cuốn sách mới của tác giả, nhà tâm lý học Jonathan Haidt.
Theo Telegraph, vào năm 2016, 73% thanh thiếu niên và 28% trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 12 tại Mỹ sở hữu smartphone. Hiện tại, tỷ lệ này tăng lên 95% ở thanh thiếu niên, trong khi khoảng 50% trẻ em được dùng điện thoại lần đầu từ 11 tuổi.
Tương tự, 97% trẻ em từ 12 tuổi trở xuống tại Anh có smartphone, theo thống kê từ Ofcom. Một nghiên cứu của Pew vào năm 2015 chỉ ra, cứ 4 thanh thiếu niên thì có 1 người ở trong trạng thái “trực tuyến liên tục”. Đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi.
“Tình trạng lo âu và các rối loạn liên quan dường như là căn bệnh tâm thần đặc trưng của giới trẻ ngày nay”, Jonathan Haidt đưa ra nhận định trong cuốn The Anxious Generation.
Hội chứng ‘ngược đãi bản thân’ đối với các cô gái trẻ ở Mỹ tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020. Tỷ lệ nhập viện vì sức khoẻ tâm thần ở người trẻ tuổi tăng theo cấp số nhân. Hàng loạt bệnh lý có tính chất xã hội như rối loạn nhận dạng giới tính, mất tập trung, thiếu ngủ, nghiện Internet… đang tàn phá thế hệ trẻ.
Jonathan Haidt khẳng định nguyên nhân của tình trạng này chính là smartphone cùng với các tiện ích xung quanh, đặc biệt là mạng xã hội.
Tác giả điểm lại một số cột mốc phát triển quan trọng của điện thoại thông minh. Từ sự xuất hiện vào năm 2007, sự ra đời của nút ‘Thích’ và ‘Chia sẻ’ trên mạng xã hội vào năm 2009 đến việc iPhone 4 được giới thiệu tháng 6/2010, thúc đẩy trào lưu chụp ảnh tự sướng (selfie).
Jonathan Haidt cho rằng tất cả yếu tố này kết hợp lại tạo ra sự thay đổi to lớn, trong đó: “Các mô hình xã hội, hình mẫu, cảm xúc, hoạt động thể chất và thậm chí cả mô hình giấc ngủ về cơ bản đã được tái tạo lại đối với thanh thiếu niên trong vòng 5 năm”, tác giả viết trong The Anxious Generation.
Nói rộng hơn, xã hội đang chuyển từ “tuổi thơ dựa trên vui chơi”, ở đó trẻ em tự do khám phá thế giới, phát triển bản thân theo từng giai đoạn lứa tuổi, sang tuổi thơ dựa trên điện thoại, trên Internet, nơi dường như mọi người cùng trang lứa và có rất ít rào cản, ranh giới.
Tác giả kêu gọi mọi người hãy hành động để ngăn chặn tác động khôn lường của smartphone đến giới trẻ. Trong The Anxious Generation, ông mô tả các bước mà phụ huynh, giáo viên, trường học, công ty công nghệ và chính phủ có thể thực hiện để chấm dứt đại dịch bệnh tâm thần và khôi phục một tuổi thơ thân thiện, nhân văn hơn.
Bộ sách biết nói giúp trẻ xa rời smartphone
Sách âm thanh vừa được giới thiệu là bộ sách đầu tiên “biết nói” giúp trẻ xa rời smartphone và hình thành khả năng giao tiếp.
Cuốn sách giúp bạn thoát khỏi mạng xã hội và điện thoại thông minh
Nếu bạn hoặc con bạn đang sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng và dành nhiều thời gian để duyệt các trang web tin tức, giải trí, các mạng xã hội; chơi trò chơi trực tuyến… thì bạn nhất định phải đọc cuốn sách này.