“Muốn hiểu về thế giới đang thay đổi? Hãy bắt đầu với những gì đang giữ nguyên. Đó là kết luận đáng kinh ngạc trong cuốn sách hấp dẫn, hữu ích và mang tính giải trí cao của Morgan Housel”, Giáo sư Arthur C. Brooks, Trường Kinh doanh Harvard đánh giá về cuốn Vẫn như mọi khi: Chỉ dẫn về những gì không bao giờ thay đổi.
Morgan Housel là chuyên gia về tiền bạc, cây viết từng giành một số giải thưởng báo chí Mỹ. Anh được biết tới nhiều nhờ cuốn sách bán chạy đã phát hành tại Việt Nam với tựa đề Tâm lý học về tiền: Những bí mật về tham vọng, sự thịnh vượng và hạnh phúc.
Ngoài ra, Housel còn có một cuốn sách khác cũng thu hút sự quan tâm không kém là Vẫn như mọi khi: Chỉ dẫn về những gì không bao giờ thay đổi.
Dưới đây là chia sẻ của tác giả về cuốn sách trên CNBC:
Lạc quan và bi quan đều rất khó giải quyết.
Sự bi quan là điều cần thiết để tồn tại và giúp ta chuẩn bị cho những rủi ro trước khi chúng ập đến. Nhưng sự lạc quan cũng cần thiết không kém. Niềm tin rằng mọi thứ có thể và sẽ tốt hơn ngay cả khi chưa có bằng chứng rõ ràng là một trong những phần thiết yếu của mọi việc, từ mối quan hệ lành mạnh đến đầu tư dài hạn.
Lạc quan và bi quan có vẻ như là những suy nghĩ trái ngược nhau vì vậy mọi người thường thích cái này hay cái kia hơn.
Nhưng trong cuốn sách của tôi mang tên Vẫn như mọi khi: Chỉ dẫn về những gì không bao giờ thay đổi, tôi viết về lý do biết cách cân bằng lạc quan - bi quan luôn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống.
Người thành công tìm được sự cân bằng giữa bi quan và lạc quan
Bill Gates là một ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của kỹ năng tiềm ẩn trên. Kể từ ngày thành lập hãng Microsoft, ông đã nhất quyết phải luôn có đủ tiền mặt trong ngân hàng để duy trì công ty tồn tại tối thiểu 12 tháng mà không có doanh thu.
Năm 1995, nhà báo Charlie Rose hỏi Gates tại sao lại giữ nhiều tiền mặt như vậy. Gates giải thích, trong công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh chóng đến mức khó đảm bảo hoạt động kinh doanh trong năm tới “kể cả Microsoft”.
Năm 2007, vị tỷ phú tâm sự: “Tôi luôn lo lắng vì những người làm việc cho tôi đều lớn tuổi hơn tôi và đã có con. Tôi luôn nghĩ nếu họ không được trả lương thì sẽ ra sao? Liệu tôi có thể trả đủ lương không?”.
Ở đây, sự lạc quan và tự tin xen lẫn bi quan nặng nề. Điều mà Gates nhận ra là bạn chỉ có thể lạc quan về lâu dài nếu bạn đủ bi quan để sống sót trong ngắn hạn.
Tại sao bạn nên cố gắng trở thành một 'người lạc quan có lý trí’?
Một điều quan trọng cần nhận ra ở đây là sự lạc quan và bi quan như tồn tại ở hai đầu của quang phổ (dải màu gần giống với màu sắc cầu vồng).
Ở một đầu của dải màu, bạn có những người lạc quan thuần túy. Họ nghĩ mọi thứ đều tuyệt vời, sẽ luôn tuyệt vời; ai luôn nhìn mọi chuyện tiêu cực là có khuyết điểm về tính cách. Họ quá tự tin vào bản thân đến mức không thể cảm nhận được có chuyện gì không ổn.
Ở đầu bên kia của dải màu, bạn có những người bi quan thuần túy. Họ nghĩ mọi thứ đều khủng khiếp, sẽ luôn khủng khiếp. Họ thiếu tự tin quá mức. Họ là đối cực của những người lạc quan thuần túy và tách biệt khỏi thực tế.
Ở giữa của dải màu là người lạc quan có lý trí: những người thừa nhận rằng lịch sử là một chuỗi liên tục các vấn đề, thất vọng và thất bại nhưng họ vẫn lạc quan vì họ biết rằng thất bại không ngăn cản tiến trình.
Vì vậy, kinh nghiệm trong bất kỳ lĩnh vực nào - từ tài chính, sự nghiệp đến các mối quan hệ - là khả năng vượt qua các vấn đề ngắn hạn để có thể gắn bó và tận hưởng sự phát triển lâu dài.
Hãy tiết kiệm như một người bi quan và đầu tư như một người lạc quan.
Lên kế hoạch như một người bi quan và mơ ước như một người lạc quan.
Những điều trên có thể giống như các kỹ năng mâu thuẫn nhau. Thật khó để nhận ra cả lạc quan và bi quan có thể và nên cùng tồn tại. Nhưng đó là điều bạn thấy trong hầu hết nỗ lực thành công lâu dài.