Benjamin Bloom (1913-1999) là một nhà tâm lý người Mỹ có đóng góp vào việc phân loại các mục tiêu giáo dục. Bloom được biết đến là người đã mở đường cho những hiểu biết về cách chúng ta học mọi thứ, những gì diễn ra trong trí óc khi chúng ta học và cả những phương pháp mà giáo viên lẫn học sinh đều có thể sử dụng để đạt kết quả tốt hơn.
Tinh thần cốt lõi của cuộc đổi mới giáo dục là: chú trọng luyện phương pháp tự kiến tạo kiến thức (chủ động) cho học sinh chứ không nặng về truyền thụ kiến thức (bị động). Phương pháp tự kiến tạo kiến thức phải dựa trên năng lực tư duy. Các trình độ tư duy căn bản cần rèn luyện cho học sinh đã được nhà tâm lý học Benjamin S. Bloom vạch ra: biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá.
Phần lớn giáo viên đều quen thuộc với Hệ thống Phân loại của Bloom. Nó được sử dụng khắp nơi làm cơ sở thiết lập khung điểm. Tuy nhiên, mọi người ít chú ý đến những gì nó thực sự có thể làm cho việc thực hành giảng dạy của giáo viên. Hiện vẫn chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về vấn đề này. Những cuốn sách có sẵn có xu hướng tập trung vào lý thuyết đằng sau Hệ thống Phân loại, dẫn đến việc ứng dụng trên lớp học còn nhiều hạn chế.
Nhận xét về tính ứng dụng, sự hữu ích của Hệ thống Phân loại trong đời sống, dịch giả cuốn sách Luyện trí năng cho học sinh, chị Lê Hà Mai Trang cho biết: “Hệ thống Phân loại Bloom được vận dụng nhiều trong việc thiết lập khung điểm, mục tiêu dạy học nhưng thực chất phương pháp này còn có thể được vận dụng, ứng dụng sâu rộng hơn. Đây là một công cụ cơ bản để dạy và học, được thiết lập trên những nguyên tắc giáo dục cơ bản. Chính vì vậy, phương pháp Bloom hỗ trợ rất tốt cho việc thực hành, giảng dạy của giáo viên”.
Có thể nói, Luyện trí năng cho học sinh đã thể hiện những nỗ lực, tâm huyết của tác giả trong việc phân tích chi tiết hệ thống phân loại Bloom, nhằm hỗ trợ công tác giảng dạy của giáo viên.
Trong cuốn sách, Mike Gershon đề cập đến việc vận dụng phương pháp Bloom từ những ngày đầu lên lớp, và ông coi đây là một công cụ chính để lập kế hoạch, đặt câu hỏi, tổ chức hoạt động, khu biệt và đánh giá quá trình học của học sinh.
Ngược lại, theo tác giả, nếu giáo viên bỏ qua Hệ thống Bloom trong việc lập kế hoạch, điều đó không khác gì việc họ đang tự làm khó chính mình. Bởi lẽ, khi vận dụng phương pháp này trong hoạt động giảng dạy, giáo viên sẽ có được những gợi ý cần thiết để xây dựng môi trường khuyến khích học sinh học tập qua việc thử sai, thông qua những thách thức học tập. Từ đó, chúng ta có thể đẩy lùi ranh giới, mở rộng năng lực hiện tại của mỗi người.
Bằng cách dựa vào hệ thống Bloom như một “khung sườn” để thúc đẩy việc học tập, nhằm giúp học sinh thành thạo ở các mức độ nhận thức khác nhau. Sự thành thạo tác giả nhấn mạnh ở đây, là tối đa hóa sự tiến bộ. Khi học sinh tiến bộ, các em sẽ làm chủ các ý tưởng, thông tin và ngược lại, qua đó dần nâng cao sự tự tin và đam mê với học tập.
Cuốn sách đưa ra những gợi ý rất cụ thể và mang tính hệ thống về những kỹ thuật luyện năng lực tư duy cho học sinh theo từng trình độ trong mỗi bài học trên lớp. Đặc biệt là hệ thống câu hỏi rất phong phú để kích thích và hướng dẫn học sinh suy nghĩ để tự mình đạt được những mục tiêu của bài học.
Bằng cách phân chia, sắp xếp và hệ thống hóa các trình độ nhận thức, phương pháp Bloom đã giúp công việc của giáo viên trở nên dễ dàng hơn và trao cho họ một công cụ mạnh mẽ để lên kế hoạch cho việc dạy, học và đánh giá.
Mike Gershon là giáo viên, nhà đào tạo và tác giả được yêu thích tại Vương quốc Anh. Ông đã viết hơn 40 cuốn sách về dạy, học và giáo dục và là đồng tác giả của 4 cuốn sách khác. Mike Gershon cộng tác với tạp chí Time Educational Supplement và đã viết hơn 80 hướng dẫn về các lĩnh vực dạy và học cũng như mở 2 khóa học trực tuyến về giảng dạy và phát triển tư duy. Tài liệu trên các kênh chia sẻ thông tin trực tuyến của Mike được các giáo viên trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ xem và tải xuống hơn 3,5 triệu lần. |