Dành cho những người luôn “quay cuồng với thời gian và hay âu lo về tương lai”, tác phẩm bestseller của nước Nhật sẽ mở ra một cách “ngược đời” để sống thanh nhàn hơn mà vẫn đạt nhiều thành quả, đảo ngược mọi quan niệm thông thường rằng “nỗ lực sẽ được đền đáp”.
Được đúc rút từ chính cuộc đời “trật đường ray” mà vẫn tới đích của tác giả Hiroyuki, những kinh nghiệm rất thực tế trong sách sẽ giúp bạn thay đổi tư duy và có cuộc đời đáng sống.
Nỗ lực thôi là không đủ!
Ngay đoạn đầu, tác giả “dội nước lạnh” cho người đọc bằng thực tế phũ phàng: Có những khoảng cách không bao giờ lấp đầy được chỉ bằng nỗ lực: những người sinh ra với địa vị và tài nguyên tốt hơn, hoặc với gene di truyền tốt hơn chỉ nỗ lực thêm một chút là có thể đạt thành quả mà người với xuất phát điểm thấp và không có năng khiếu không bao giờ đạt được.
“Bạn đã có tài trốn việc chưa?” Đó là câu hỏi mở đầu cho cuốn sách. Thật lạ đời vì ai lại coi trốn việc là tài?
Thế là Hiroyuki chỉ vào tổ kiến, vốn có 2 nhóm: kiến làm việc và không làm việc, một nhóm cật lực dọn tổ tha mồi, một nhóm cứ tha thẩn dạo chơi và quan sát mà lại tìm được miếng mồi to nhất. “Hãy là con kiến không làm việc! Khi không bận tâm về tiền bạc và thời gian bạn mới thấy được cơ hội!” Đó là lời khuyên của Hiroyuki, và chỉ có thay đổi tư duy mới làm được điều này.
Thay đổi bắt đầu từ việc lật lại câu nói nổi tiếng của Edison: “Thiên tài chỉ có 1% cảm hứng, còn 99% là mồ hôi”. Thay vì nghĩ “có công mài sắt có ngày nên kim” như mọi người, Hiroyuki chỉ ra: không có 1% ban đầu thì 99% nỗ lực là vô nghĩa. Anh thẳng thắn nhìn nhận: nếu xuất phát điểm cuộc đời quá cách biệt thì cố gắng cách mấy cũng khó bù đắp, phải tập trung xem mình có thể thay đổi được điều gì.
Một trong những điều thay đổi được là cách ta so sánh bản thân với người khác. Tiếp theo, Hiroyuki khuyến khích: Hãy luôn để rảnh một tay! Chúng ta thường xuyên bị áp lực phải lấp kín thời gian biểu, nhưng đó là sai lầm khiến mình bỏ lỡ nhiều cơ hội và bị kiệt quệ.
Một phần lớn cuốn sách 1% nỗ lực được tác giả dùng để bàn về những ưu tiên và câu chuyện chiếc bình đựng đá, sỏi, cát và nước là một minh họa. Sau khi bỏ đá to vào bình, vẫn còn chỗ để thêm vào sỏi, cát, và nước nhưng hòn đá to chỉ có thể bỏ vào trước tiên. Thứ tự ưu tiên là bí quyết giúp con người sống hạnh phúc mỗi ngày.
Trong thế giới đầy cạnh tranh, con người bị đòi hỏi phải khác biệt để nổi bật. Muốn làm được điều này, cần chủ động phát ngôn và xung phong nhận vị trí đặc biệt. Người lên tiếng trước và người đưa ra ý kiến hơi khác thường sẽ dễ có được chỗ đứng.
Điều mà tác giả lưu ý với độc giả là phải hiểu rõ bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp. Cần trải nghiệm cả công việc tay chân và trí óc để biết mình hợp với cái gì hơn. Đối với những việc gây stress hoặc những thứ không thể thay đổi bằng ý chí, buông bỏ mới là con đường có lợi nhất.
Suy nghĩ rất thực tế và thẳng thắn của Hiroyuki giúp bạn đọc có chiến lược làm việc phù hợp và tranh thủ được các cơ hội trong cuộc sống.
Một bài luyện tập sống “trật đường ray”
Hiroyuki là một nhà khởi nghiệp “không giống ai”. Sáng lập diễn đàn 2channel và mở trang Nico Nico Douga - được coi như YouTube của Nhật Bản, hiện quản lý diễn đàn ẩn danh lớn nhất trong cộng đồng nói tiếng Anh, anh có cuộc sống thoải mái ở Paris, điều mà nhiều người mơ ước.
Thế nhưng, khác với nhiều tên tuổi thành đạt khác, xuất phát điểm của anh không phải là ước mơ tạo ra điều gì có ý nghĩa to lớn mà là mong muốn sống vui vẻ hết mức. Ở trong khu tập thể có nhiều người không đi làm, suy nghĩ “không làm vẫn sống được” đã bám rễ trong anh. “Hòn đá to” của anh là giấc ngủ, vì mất ngủ rồi để mụ mị đầu óc là không gì bù đắp được. Anh dành phần lớn thời gian lướt mạng và chơi game, đi học chỉ để cho đủ tín chỉ. Anh khởi nghiệp vì rảnh rỗi.
Xuất phát điểm của Hiroyuki là việc xác định rõ mình là ai và muốn gì. Là người tò mò, anh lựa chọn trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ. Không thích vất vả, anh cho mình nhiều thời gian rảnh rỗi. Không thích đấu đá, anh chọn lĩnh vực ít cạnh tranh. Không thích làm, anh chọn suy nghĩ sâu sắc.
Hiroyuki khuyến khích người đọc biết thức thời, tìm hiểu thật rõ về thời đại mình đang sống, nắm được những khuynh hướng hiện thời và sắp tới. Để trở thành người lãnh đạo tốt, 1% nỗ lực khích lệ rèn luyện những kỹ năng thuộc về công việc ở hiện trường, như vậy thì ý kiến của bạn sẽ thuyết phục hơn.
Hiroyuki thừa nhận không phải là người đặc biệt ưu tú và cũng không phải người chịu khó. Anh chỉ lựa chọn con đường phù hợp với bản thân, nắm bắt cơ hội do thời thế mang lại và luôn cố gắng tìm giải pháp cần ít nỗ lực nhất.
Đan xen giữa những bí quyết và câu chuyện cuộc đời Hiroyuki là bức tranh rất thật về môi trường làm việc hiện tại, đặc biệt là ở Nhật. Đây là những thông tin hữu ích cho bạn trẻ sắp đi làm hay gia nhập công ty của Nhật. Đó là một xã hội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như già hóa dân số, kinh tế tăng trưởng chậm, công sở thiếu tính năng động, sự phân chia thứ bậc cứng nhắc làm giới hạn tiềm năng... Môi trường làm việc ở Việt Nam cũng có nhiều nét tương tự.
Đặc biệt, Hiroyuki chia sẻ một kỹ thuật biến thất bại không còn là thất bại. Đó là nghệ thuật kể chuyện. Thay vì than thở, tự dằn vặt, so sánh với người ngoài, anh cho rằng nên để cho mọi người cùng cười với câu chuyện của mình. Mọi thứ trên đời đều là chất liệu cho một câu chuyện hài. Và với thái độ đó, cuộc sống sẽ thật nhẹ nhõm và tự tại.