Ông Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Phó Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) vừa bị Tòa án quân khu 7 tuyên án tù chung thân vì tội Nhận hối lộ và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thế Anh cho biết, thân chủ của ông nói sẽ nộp đơn kháng cáo ngay sau ngày kết thúc phiên tòa sơ thẩm.
Theo cáo trạng của VKS quân sự Trung ương, sau thời gian quen biết với ông Nguyễn Thế Anh, “trùm” buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu (SN 1957, ở TP.HCM) đặt vấn đề nhờ ông này bảo kê cho hoạt động buôn lậu.
Nhận lời đồng ý, ông Thế Anh yêu cầu Hữu chi tiền cho cấp trên và một số lực lượng khác. Con số đưa ra là mỗi tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng.
Phan Thanh Hữu chấp nhận chi hối lộ cho ông Thế Anh. Cáo trạng xác định, số tiền Hữu đã chi để hối lộ ông Nguyễn Thế Anh từ tháng 2/2020 - 1/2021 là 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng.
Cựu đại tá kêu oan
Trong suốt những ngày xét xử, bị cáo Thế Anh luôn phủ nhận cáo buộc, cho rằng mình bị oan. Bị cáo tố việc mình bị điều tra viên, kiểm sát viên ép cung, mớm cung.
Theo lời khai của ông Thế Anh, ngoài lời khai bị ép cung của bị cáo, sổ trích xuất bị cáo ở trại tạm giam là chứng cứ quan trọng chứng minh việc bị cáo bị ép cung.
“Họ trích xuất bị cáo ra làm việc hơn 30 buổi, nhưng thực tế chỉ có 9 buổi ghi trong sổ trích xuất. Hơn 20 buổi trích suất kia để đi đâu, đây là chứng cứ rất quan trọng... Bị cáo dám lấy tính mạng mình ra để đảm bảo”, lời khai của bị cáo Thế Anh.
Nhắc đến tâm thư và những lời nhận tội tại giai đoạn điều tra, bị cáo cho rằng: “Họ buộc tôi phải nhận những gì tôi không làm”.
Trả lời thẩm vấn về mối quan hệ với “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu, ông Thế Anh một mực cho rằng, mình không quen biết người này, chưa bao giờ nhận một đồng từ Hữu.
Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Thế Anh trình bày, đã có 30 năm phục vụ quân đội, dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhưng quá trình công tác đã phải đương đầu với nhiều tội phạm.
"Bị cáo từng bị tội phạm gí súng vào đầu, bị trả thù dẫn đến trên người mang nhiều thương tật, thử hỏi có dễ dàng bị mua chuộc không?... Nếu HĐXX không xem xét, bị cáo sẽ kêu oan suốt đời", cựu đại tá quân đội nói lời sau cùng.
Về việc ông Thế Anh, khai "buộc phải viết tâm thư theo yêu cầu cán bộ điều tra", theo đại diện VKS, cựu đại tá Thế Anh trải qua thời gian dài trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đã có nhiều thành tích, thử hỏi ai có thể mớm cúng, ép cung bị cáo.
“Trong trại giam, bị cáo xin giấy giám thị để viết tâm thư, những suy nghĩ trong lòng bị cáo như thế nào bị cáo tự viết ra, ai có thể viết thay cho bị cáo?", đại diện VKS lập luận.
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, có thể khẳng định, trên các cương vị của mình, bị cáo Thế Anh vì vụ lợi, được Hữu nhờ bảo kê, bị cáo đã nhận tiền hối lộ của “trùm” buôn lậu xăng.
Số tiền mà bị cáo nhận hối lộ được xác định là 6,2 tỷ đồng và 560 ngàn USD. Hành vi của bị cáo Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An nhận tiền của Hữu đã phạm vào tội Nhận hối lộ.
Sau khi hành vi của Phan Thanh Hữu bị phát hiện, Hữu bị bắt, để che giấu hành vi của mình, bị cáo Thế Anh đã tổ chức đưa Nguyễn Văn An sang Lào để trốn.
Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Đặng Văn Cường khẳng định, kết quả tranh tụng cho thấy, chứng cứ buộc tội ông Nguyễn Thế Anh là chưa đủ, thiếu chứng cứ để chứng minh có sự thỏa thuận giữa ông Nguyễn Thế Anh và Phan Thanh Hữu.
Về vấn đề các luật sư cho rằng, không có chứng cứ vật chất chứng minh cho hành vi nhận hối lộ của các bị cáo, đại diện VKS khẳng định, ngoài lời khai của các bị cáo, người làm chứng... còn có nhiều tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Trong đó, cơ quan tố tụng đã thu thập dữ liệu viễn thông theo đúng quy định của pháp luật, thể hiện lịch sử cuộc gọi, địa điểm cuộc gọi, hoàn toàn trùng khớp với hành vi phạm tội của bị cáo.
Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, quá trình điều tra, truy tố, trước khi xét xử vụ án này, nhiều lần ông đã gặp bị cáo Nguyễn Thế Anh trong trại tạm giam để làm việc.
Khi đó, ông Nguyễn Thế Anh từng nhiều lần tâm sự: "Luật sư hãy tin tôi, tôi không phạm tội, không dễ dàng gì đánh mất mình, tôi không nhận 1 đồng nào của ông Phan Thanh Hữu. Nếu tôi làm như vậy, đề nghị cứ bắn tôi đi... Không gì lay chuyển được bản lĩnh và ý chí của tôi, không ai dễ dàng vì mua chuộc được tôi đâu".
Theo nhận định của HĐXX, dù bị cáo kêu oan, khiếu nại điều tra viên, kiểm sát viên nhưng không đưa ra được chứng cứ thể hiện mình bị ép cung, mớm cung.
Hành vi của bị cáo Thế Anh và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức dù nhận thức rõ nhưng vẫn thực hiện nên phải chịu trách nhiệm. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng do hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên cần cách ly khỏi xã hội.
Cáo buộc cho rằng, bị cáo Nguyễn Văn An (em họ của ông Thế Anh) là người hàng tháng vẫn đến gặp “trùm” buôn lậu để nhận tiền hộ anh. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo này thay đổi lời khai, phủ nhận cáo buộc. Theo lời khai của bị cáo An, giai đoạn điều tra, bị cáo đổ tội cho anh họ vì nghĩ rằng, nếu làm thế mình sẽ thoát tội. Trước tòa, bị cáo nói lời xin lỗi anh. |