Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) bị truy tố tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
Theo cáo buộc, khoảng tháng 9/2019, sau khi cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời, Hữu đặt vấn đề buôn lậu xăng, nhờ ông Thế Anh giúp đỡ và đã nhận được cái gật đầu.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Thế Anh đang là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn Phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu sẽ chi cho ông Thế Anh 30.000 USD và 100 triệu đồng. Đến đầu năm 2020, Hữu tiếp tục đặt vấn đề về việc vận chuyển xăng nhập lậu để tiêu thụ ở trong nước và nhờ ông Thế Anh giúp đỡ.
Nhận lời đồng ý, đồng thời, ông Thế Anh yêu cầu Hữu chi tiền cho cấp trên và một số lực lượng khác nữa. Con số đưa ra là mỗi tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng.
Từ tháng 3- 8/2020, mỗi tháng Nguyễn Văn An (em họ của ông Thế Anh) trực tiếp nhận của Phan Thanh Hữu chi cho ông Thế Anh 60.000 USD và 950 triệu đồng.
Đến tháng 9/2020, An gọi điện cho Hữu để nhận tiền thì “trùm” buôn lậu nói, ông Thế Anh đã chuyển công tác nên không muốn chi tiền cho ông Nguyễn Thế Anh nữa. Bị cáo An điện thoại cho ông Thế Anh để anh họ làm việc lại với Hữu. Sau đó từ tháng 9/2020- 1/2021, mỗi tháng An nhận từ Hữu hộ ông Thế Anh 10.000 USD.
Cáo buộc cho rằng, từ 10/2019- 1/2021, An đã 16 lần nhận 560 ngàn USD và 6,2 tỷ đồng của Hữu mang về cho ông Thế Anh. Số tiền nhận được từ Hữu, An mang về cất vào két sắt hoặc gửi tiết kiệm.
Khi ông Thế Anh về TP.HCM, An trực tiếp đưa tiền cho ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hoặc ở ngoài đường. Những lần ông Thế Anh cần tiền Việt Nam đồng, An mang USD đổi ra tiền Việt, có lần An đưa cả USD và tiền Việt Nam đồng đã nhận của Hữu cho ông Thế Anh.
Toàn bộ số tiền nhận của Phan Thanh Hữu, bị cáo An đã đưa hết cho anh họ. Ông Thế Anh chỉ vài lần cho tiền An để mua sữa cho con An.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, với vai trò là người làm chứng, Phan Thanh Hữu khai, từ khi biết ông Thế Anh chuyển công tác, Hữu cắt bớt tiền hối lộ hàng tháng từ 60 ngàn USD, xuống còn 10.000 USD.
Lý giải cho việc cắt giảm tiền, Hữu cho rằng, vì sau khi chuyển công tác, ông Thế Anh không dính dáng đến việc buôn lậu của Hữu.
Vẫn theo lời khai của “trùm” buôn lậu, sau đó ông ta nhận được điện thoại có ý đe dọa của ông Thế Anh. Qua điện thoại ông Thế Anh nói với Hữu: “Ông muốn gì?” Đây là lý do mà sau khi ông Thế Anh chuyển công tác, Hữu vẫn phải đưa tiền.
“Ông Thế Anh Chuyển công tác rồi, tôi vẫn đưa tiền và tôi cho rằng đó là tiền hối lộ”, lời khai của Hữu.
Một mực kêu oan
Trước những lời khai của “trùm” buôn lậu, bị cáo Thế Anh trình bày: “Tôi hoàn toàn bác bỏ lời khai này, tôi có biết gì đâu mà tôi nói. Hoàn toàn không có chuyện tôi nhận một đồng tiền hối lộ nào. Làm gì có chuyện tôi nhận tiền từ An”.
Đối với cáo buộc tổ chức đưa An sang Lào trái phép sau khi Hữu bị bắt, ông Thế Anh khai: “Việc An sang Lào tôi hoàn toàn không biết và không làm gì giúp An mà bảo tôi tổ chức đưa An ra nước ngoài trái phép. Tôi hoàn toàn không biết việc này. An đi đâu, làm gì, tôi không biết”.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thế Anh một mực kêu oan, cho rằng mình bị ép cung và bản tự khai của bị cáo là do điều tra viên đọc cho ghi. “Tôi bị ép buộc, họ viết sẵn cho tôi tâm thư và nội dung bản tự khai”, lời khai của bị cáo.
Trước lời khai này của ông Thế Anh, HĐXX cho rằng, bị cáo khai mà không có chứng cứ, HĐXX không có căn cứ để xem xét.
Vẫn theo lời khai của ông Thế Anh, sau khi được biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, với chức năng nhiệm vụ của mình, bị cáo chỉ theo dõi, tổng hợp tình hình buôn lậu trên địa bàn được giao.
Theo luật, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 không có chức năng, không có quyền bắt giữ, xử lý, xử phạt, điều tra, truy tố về buôn lậu.