Dữ liệu được nhận định ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, theo báo cáo về Chính phủ điện tử năm 2018, 2020 của Liên hiệp quốc. Chia sẻ dữ liệu là điều kiện tiên quyết để cung cấp dịch vụ số, đơn giản hóa quy trình, thay đổi mô hình tổ chức, cách thức cung cấp dịch vụ.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định rõ quan điểm phát triển dữ liệu trong Chính phủ số: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”.
Được ví như “xương sống” phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) do Bộ TT&TT xây dựng và vận hành gồm có các thành phần chính: Nền tảng kết nối, tích hợp dịch vụ, quy trình, dữ liệu (kế thừa và phát triển từ Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương - NGSP nhằm đáp ứng các nhu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu theo mô hình tập trung); Nền tảng chia sẻ dữ liệu phân tán nhằm đáp ứng các nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương theo mô hình phân tán; Hệ thống quản lý vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến cuối năm 2020, 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng NDXP, đạt tỷ lệ 100%.
Nền tảng NDXP cũng đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương; 10 cơ sở dữ liệu và 8 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.
Trong số liệu thống kê mới nhất của Bộ TT&TT, tính đến ngày 26/9/2022, tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng NDXP trong tháng 9 là 58.397.139. Như vậy, kể từ khi khai trương đến nay, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP đã đạt hơn 661 triệu. Tính từ đầu năm 2022, trung bình hàng ngày có khoảng 1,6 triệu giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng NDXP.
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ TT&TT, một trong những tồn tại của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử chính là việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước vẫn còn hạn chế.
Vân Anh