Sáng 19/7, tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, nhiều mô hình, cách làm hay đã được địa phương báo cáo với Thủ tướng.
Mô hình đột phá trong chuyển đổi số
Cụ thể, Đà Nẵng đã tập trung nguồn lực và trang thiết bị triển khai thủ tục "3 trong 1" liên quan đến khai sinh (cấp giấy khai sinh, cấp thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế) và khai tử (khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí) từ ngày 10/7/2023.
Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp thứ nhất theo kết quả công bố bộ chỉ số chuyển đổi số năm 2022 (3 năm dẫn đầu liên tiếp), đem lại những tín hiệu tích cực trong giai đoạn đầu triển khai.
Đáng chú ý, Thành phố triển khai thí điểm dịch vụ công toàn trình (cấp độ 4) đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe trên địa bàn.
Đà Nẵng thực hiện mô hình đột phá trong chuyển đổi số "đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe". Người dân chỉ cần một bước đến khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), cung cấp thông tin, giấy phép lái xe cũ sẽ được hỗ trợ thực hiện các thủ tục và trả giấy phép mới tại nhà cho công dân.
Nền tảng công dân số thành phố hiện có 260.000 tài khoản điện tử của công dân, doanh nghiệp để đăng nhập, sử dụng dịch vụ trên mạng của chính quyền thành phố. Cơ bản mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử kết hợp với mã (ID) duy nhất. Tương tự, mỗi học sinh có 1 mã (ID) duy nhất gắn với học bạ điện tử; toàn thành phố có 2,2 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó có gần 1 triệu tài khoản Zalo.
Làm thủ tục không phụ thuộc vào địa giới hành chính
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, địa phương thí điểm liên thông một số thủ tục lĩnh vực đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó người dân chỉ nộp hồ sơ một lần tại bộ phận một cửa nhưng nhận được nhiều kết quả; cắt giảm đáng kể thời gian và số lần đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, tỉnh triển khai tiếp nhận giải quyết thủ tục theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Cụ thể, UBND tỉnh lựa chọn 83 thủ tục (lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công thương...) người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện thường xuyên thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện để giao cho Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận.
Theo đó, người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của huyện, thành phố hoặc tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023 có 1.240 hồ sơ.
Qua phân tích, đánh giá hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định triển khai thực hiện thí điểm mô hình giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới theo hướng ngược lại.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chọn 7 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành tỉnh giao cho UBND cấp huyện tiếp nhận.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn, nộp hồ sơ tại bất kỳ bộ phận một cửa của đơn vị cấp huyện nào, không nhất thiết phải nộp hồ sơ tại đơn vị có thẩm quyền giải quyết… Đến nay, đã tiếp nhận 160 hồ sơ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm "nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến". Kết quả thực hiện vượt cả 3 mục tiêu đề ra.
Cụ thể, toàn tỉnh có 115.833 hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến, đạt 71,81%, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022; thanh toán trực tuyến đạt tỉ lệ 54,76% (năm 2022, tỉ lệ này chưa đạt 1%); tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục đạt 78,26% (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Qua đó, tỉnh đứng đầu cả nước về vị trí xếp hạng theo bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.