Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị.
Ảnh minh họa |
Thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã đề ra một loạt các chương trình, mục tiêu đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo các ban của Đảng, Ban cán sự đảng của các bộ, ngành liên quan và cấp ủy các địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và đã ra nhiều kết luận quan trọng liên quan đến công tác chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Nhờ được quan tâm sâu sát, công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị. Nhà nước đã ban hành chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tăng cường vận động, tuyên truyền, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc, miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định.
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu của ngân sách Trung ương dẫn đến khó khăn trong việc cân đối ngân sách Trung ương cho các chương trình MTQG, Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính dành ưu tiên cao nhất cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; có phương án cân đối đủ hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 54.000 tỷ đồng vốn chi thường xuyên cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình theo đúng chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nặng nề do dịch bệnh tác động, Chính phủ khẳng định quan điểm sẽ tiếp tục kiên định thực hiện linh hoạt, hài hòa mục tiêu quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân kết hợp với ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chăm lo thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gặp nhiều khó khăn. Do yêu cầu của tình hình thực tế hiện nay, Chính phủ ưu tiên chỉ đạo Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn, đề xuất và triển khai các giải pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức triển khai thực hiện để khắc phục các tồn tại, thách thức liên quan đến tiến độ triển khai và bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.
Hồng Anh