Hương vị độc đáo

Nam Định từ lâu nổi tiếng có nhiều món quà vặt ngon, độc đáo, trong số đó, bánh xíu páo là một thức quà không thể bỏ qua.

Bánh xíu páo bắt nguồn từ cộng đồng người Hoa di cư đến phố Khách (nay là phố Hoàng Văn Thụ, TP Nam Định) đầu thế kỷ 20. Trong hơn 100 năm du nhập vào Nam Định, hương vị bánh dần được điều chỉnh để phù hợp hơn với khẩu vị người Việt. 

So với bản gốc, xíu páo Nam Định đã giảm nhiều hương liệu để thực khách cảm nhận được hương vị tự nhiên và tinh tế của từng nguyên liệu. 

W-Xu páo_2.jpg
Các khâu làm bánh được thực hiện tỉ mỉ

Để có được một chiếc xíu páo chuẩn vị, người làm bánh phải tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu. 

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, thế hệ thứ 3 trong gia đình làm bánh xíu páo lâu đời trên phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) chia sẻ cần rất nhiều công đoạn để làm ra một chiếc bánh xíu páo. Trong đó, khâu làm vỏ bánh là quan trọng nhất.

Vỏ bánh được làm từ bột mì, pha trộn theo công thức gia truyền và phải trải qua nhiều bước như nhào bột, đánh nhuyễn, cán mỏng rồi ủ cho hồi bột để đạt độ dai và nở hoàn hảo sau đó mới chia bột, nhồi nhân.

W-Xu páo_1.jpg
Nhân bánh có hương vị đặc trưng, được chế biến chín trước khi bọc trong lớp vỏ rồi đem đi nướng

Nhân bánh gồm trứng, thịt, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô,… Tất cả đều được chế biến chín trước, tạo nên vị thơm ngon đậm đà.

"Xíu páo đạt chuẩn phải có vỏ ngoài mỏng, giòn, trong nhiều lớp mỏng, nhân bánh béo ngậy thơm lừng. Để làm được điều đó, gia đình tôi vẫn giữ cách nướng 2 lần, mỗi lần đều quét một lớp dầu ăn và lòng đỏ trứng để tạo màu vàng bắt mắt", anh Tuấn kể.

W-Xu páo_6.jpg
Bánh được nướng 2 lần để có lớp vỏ đạt chuẩn

Thưởng thức bánh xíu páo khi còn nóng, thực khách sẽ cảm nhận lớp vỏ giòn tan hòa quyện với nhân bánh đậm vị thơm ngậy của thịt xíu, vị bùi bùi từ trứng và chút thơm đặc trưng của nấm hương, chút cay nhẹ từ hạt tiêu.

Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị đặc trưng, khó quên của món bánh này.

Chị Phạm Thị Loan (trú tại Hà Nội) chia sẻ: “Tôi biết đến món bánh này do người bạn quê Nam Định giới thiệu. Lúc đầu nhìn qua tôi tưởng đây là bánh bao chiên nhưng ăn thì khác hoàn toàn.

Nhân bánh rất thơm, ngậy. Vỏ bánh được nướng giòn lớp ngoài rồi tới những lớp mỏng bên trong mềm dần rất ấn tượng. Tôi ăn một lần mà cứ nhớ mãi hương vị rồi thành ra nghiền từ lúc nào không hay”.

Ngày bán cả vạn chiếc

Anh Tuấn chia sẻ, để giữ chân khách hàng, từ trước tới nay tiệm bánh của gia đình anh luôn chú trọng đầu tư vào chất lượng và giữ nguyên cách làm từ xưa, không chạy theo thị hiếu để giữ trọn hương vị.

Nhờ đó, dù không quảng cáo, tiệm bánh của gia đình anh vẫn luôn đông khách đặt. 

Để đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng, những năm gần đây, gia đình anh Tuấn đã đầu tư thêm máy móc để sản xuất số lượng lớn, giúp các công đoạn làm bánh đỡ vất vả hơn.

W-Xu páo.jpg
Các công đoạn làm bánh giờ đã có máy móc hỗ trợ

Nếu trước đây, các công đoạn làm bánh đều được thực hiện thủ công, với 5 người làm từ 5-21h chỉ cho ra khoảng 2.000 chiếc bánh mỗi ngày thì hiện nay, với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, sản lượng đã tăng lên gấp nhiều lần.

Theo anh Tuấn, chỉ một điểm khác duy nhất khi làm thủ công và có máy móc hỗ trợ là, ngày trước, bánh được nặn bằng tay nên có xoáy hoa ở chóp bánh, giờ dùng máy cắt bột nên không còn chóp. 

Hiện, bánh xíu páo tại tiệm của gia đình anh Tuấn có giá 5.000 đồng/chiếc.

W-Xu páo_4.jpg
Không cần quảng cáo, bánh xíu páo của gia đình anh Tuấn vẫn được khách hàng khắp nơi tìm đến nhờ giữ trọn được hương vị như thuở đầu

"Trung bình mỗi ngày cửa hàng sản xuất 5.000-7.000 bánh, bán hết trong ngày. Cao điểm lễ, Tết khách đặt biếu tặng nhiều có thể lên đến 1 vạn, 2 vạn bánh”, anh Tuấn cho hay. 

Để bảo quản bánh lâu mà vẫn giữ được hương vị, anh Tuấn khuyên người mua nên để bánh trong ngăn đá tủ lạnh, khi ăn chỉ cần rã đông và nướng lại.

Dù hiện nay có rất nhiều cơ sở làm bánh xíu páo ở Nam Định, mỗi nơi mang một hương vị riêng, nhưng những chiếc bánh của gia đình anh Tuấn vẫn được đánh giá cao nhờ giữ gìn được trọn hương vị từ thế hệ đầu tiên.