Sau một tháng xét xử và nghị án kéo dài, hôm nay (23/8), TAND TPHCM tuyên án với 254 bị cáo liên quan tới sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Đăng kiểm từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố.
Tuy nhiên, bị cáo này khẳng định chỉ chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng hưởng lợi cá nhân chứ không chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền tham ô của Cục Đăng kiểm.
Khai tại tòa, bị cáo Hình cho hay thông qua luật sư, bị cáo được biết gia đình đã khắc phục 2,8 tỷ đồng và 12.000 USD.
Cũng thừa nhận hành vi như cáo trạng, nhưng bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Đăng kiểm từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022) cho rằng không yêu cầu thuộc cấp phải nâng mức hưởng lợi của mình lên cao nhất.
Lúc đầu, bị cáo Hà nhận trách nhiệm với số tiền 40 tỷ đồng nhận hối lộ tại Cục Đăng kiểm và hơn 8,5 tỷ đồng mà cá nhân bị cáo được hưởng lợi.
Tuy nhiên, trong phần hỏi đáp với luật sư, bất ngờ bị cáo Hà “quay xe”, chỉ nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và số tiền hơn 8,5 tỷ đồng mà cá nhân hưởng. Liên quan tới 40 tỷ đồng mà VKS cáo buộc phải chịu trách nhiệm chung, bị cáo không đồng ý vì “không chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ”.
Về hành vi nhờ bị cáo Lại Thái Phong (cựu Phó chánh văn phòng Cục Đăng kiểm) đưa 100 nghìn USD cho bị cáo Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty ATS) "nghe ngóng" xem cơ quan công an xử lý sai phạm gì tại các trung tâm đăng kiểm, bị cáo Hà khai do lúc đó bị hoảng loạn, không tỉnh táo nên mới tìm người dò la thông tin.
Các bị cáo nguyên là đăng kiểm viên đều khai việc nhận hối lộ của chủ phương tiện được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo trung tâm.
Theo kết quả điều tra, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, sau khi nhận chỉ đạo của giám đốc đồng ý cho nhận hối lộ, các đăng kiểm viên phân công nhau lên cabin kiểm tra xem chủ xe có bỏ tiền vào vị trí như cần gạt số, hộc đựng đồ hay trong bao thuốc lá hay không. Nếu có, đăng kiểm viên sẽ bật đèn ra hiệu cho nhau biết, để quá trình kiểm định bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện.
Trường hợp trên xe không có tiền, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi, in phiếu kiểm định lần 1 “không đạt” và yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2.
Còn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, khi xe vào, đăng kiểm viên lên cabin kiểm tra nếu thấy có để tiền sẽ bật đèn chiếu sáng trước và đèn cảnh báo nguy hiểm. Nếu trên xe không có tiền hối lộ, đăng kiểm viên chỉ để đèn cảnh báo nguy hiểm.
Vì vậy, muốn quá trình kiểm định đạt, hầu hết chủ phương tiện phải để tiền trên xe, hối lộ cho các đăng kiểm viên.
Thừa nhận cho thuộc cấp nhận hối lộ của chủ phương tiện, giám đốc các trung tâm đều có chung lý do là muốn cải thiện đời sống anh em và có tiền chung chi cho 2 cựu Cục trưởng Hình và Hà.
Theo đó, hàng tháng giám đốc các trung tâm đăng kiểm đều phải ra Hà Nội chung chi cho 2 ông này để được bỏ qua các lỗi.
Vụ án tham nhũng kinh tế có quy mô lớn
Đại diện VKS nhận định đây là vụ án tham nhũng kinh tế có quy mô lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và thủy nội địa.
Trong đó, bị cáo Hình và Hà phải chịu trách nhiệm cao nhất. Các bị cáo này đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định pháp luật để xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài.
Vì vậy, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình 18-19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 5-6 năm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội từ 23-25 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm) bị đề nghị từ 4-5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bị cáo Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới) từ 17-18 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Ban đầu, bị cáo Đặng Việt Hà bị đề nghị 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tuy nhiên, trong phần đối đáp lại, đại diện VKS đã bất ngờ thay đổi mức đề nghị cho bị cáo xuống còn từ 18-19 năm tù.
Các bị cáo còn lại cũng bị đề nghị từ 1-2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 28-30 năm tù.
Được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Trần Kỳ Hình thừa nhận hành vi sai phạm và tỏ ra tiếc nuối khi cả đời đã cố gắng phấn đấu nhưng chỉ 2-3 năm trước khi nghỉ hưu đã không giữ được mình mà phạm tội.
“Được tòa án xét xử công bằng, tôi đã nhận thức rõ hơn về những lỗi lầm của mình. Tôi vô cùng tiếc nuối cho những năm tháng đã đóng góp cho ngành. Bản án sắp tới sẽ là bản án cuối đời, để tôi ngẫm nghĩ về những gì đã xảy ra. Tôi đã nhận thức rõ, ăn năn hối cải và vận động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả gây ra” - bị cáo Hình cay đắng nói.
“Với lỗi lầm này, bị cáo sẽ phải day dứt trong suốt phần đời còn lại, gây nên nỗi đau cho con cháu khi trong lý lịch có ghi là cha ông đã phạm tội. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới gia đình, Cục Đăng kiểm” - bị cáo Nguyễn Vũ Hải buồn bã trình bày.
Theo cáo buộc của VKS, từ lãnh đạo cục, phòng đến các trung tâm đăng kiểm cùng nhau thống nhất, chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền từ trung tâm và chủ phương tiện để bỏ qua lỗi.
Với việc làm ngơ cho cấp dưới, bị cáo Trần Kỳ Hình đã nhận hối lộ hơn 7,1 tỷ đồng từ các thuộc cấp. Sau khi bị cáo Hình nghỉ hưu, bị cáo Đặng Việt Hà lên thay và đã nhận hối lộ hơn 8,5 tỷ đồng, chỉ sau hơn 1 năm nhậm chức.
Đến tháng 10/2022, khi cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm, lo sợ hành vi bị phát giác, bị cáo Hà đã trả lại 5 tỷ đồng cho Trần Anh Quân (khi đó là Quyền Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam).
Tiếp đó, bị cáo Hà nhờ Lại Thái Phong (cựu Phó chánh văn phòng Cục Đăng kiểm) "nghe ngóng" xem cơ quan công an xử lý sai phạm gì tại các trung tâm đăng kiểm. Phong nói sẽ nhờ Nguyễn Văn Chung (là người có nhiều mối quan hệ với các cơ quan công an) tìm hiểu giúp.
Sau đó, Hà yêu cầu Quân đưa lại số tiền 5 tỷ đồng đã trả lại trước đó rồi chuyển số tiền này nhờ Phong đưa cho Chung. Tuy nhiên, Chung không có khả năng dò la thông tin giúp mà chiếm đoạt luôn số tiền này.
Sau khi bị bắt, bị cáo Đặng Việt Hà làm đơn tố cáo Phong và Chung.
Được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, cựu Cục trưởng Đăng kiểm Trần Kỳ Hình bật khóc bày tỏ, nếu có trách nhiệm hơn thì sẽ không ai mắc sai lầm như vậy, "án tù có thể dài nhưng án lương tâm còn đau đớn hơn”.
Tranh luận lại quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện VKS cho rằng, việc nhận hối lộ tại các trung tâm đăng kiểm là cố tình kiếm tiền bất chấp, không phải do chủ xe tự nguyện như một số luật sư đã trình bày.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), các bị can đã dùng cổ phần Tập đoàn Egroup không có thật để huy động vốn bằng các hình thức giao dịch bán cổ phần nhận thanh toán tiền mặt, chuyển khoản.