Trong báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng, cử tri quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng lãng phí.
Cử tri nhắc đến Quy định số 69 ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị quy định rất cụ thể về xử lý kỷ luật đảng viên khi thực hiện kê khai không đúng, không đầy đủ, không trung thực trong kê khai tài sản, giải trình biến động tài sản, nguồn gốc.
Tuy nhiên, cử tri cho rằng chưa có quy định pháp luật xử lý về mặt nhà nước đối với các nội dung trong quy định. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành quy định để việc xử lý về mặt nhà nước kịp thời, đồng bộ với xử lý kỷ luật của đảng khi cán bộ, công chức là đảng viên vi phạm.
Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra cuối năm, chấn chỉnh, xử lý hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc vào thời điểm cuối năm.
Cử tri cho rằng vấn đề tham nhũng trong 'đại án' kit test Việt Á chưa được giải quyết thỏa đáng. Mặc dù, những ai vi phạm đã và đang được xử lý, nhưng quyền lợi của người dân thì chưa được đề cập.
Ngoài ra, cử tri cũng phản ảnh tình trạng “cò” đang xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều thủ tục hành chính phải thông qua “cò” mới được giải quyết nhanh chóng.
Cử tri kiến nghị tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, để người dân được tiếp cận nền hành chính công bằng, minh bạch.
Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ
Trả lời các kiến nghị này, Chính phủ cho biết, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo, hoàn thiện đồng bộ hệ thống các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị về nội dung này.
Trong đó có quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; quy định về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng…
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sở hở, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng.
Đặc biệt là cơ chế chính sách và công tác quản lý trên những lĩnh vực mà thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm, tham nhũng lớn như đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn và tài sản nhà nước trong doanh nghiệp… để từ đó khẩn trương có giải pháp khắc phục bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định về xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đồng thời, Chính phủ tập trung khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, tăng cường công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách
Ngoài ra, Chính phủ cũng quan tâm đến việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Đặc biệt là các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử cá vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp kéo dài theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cạnh đó, Chính phủ cũng quan tâm ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Đây là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, về phòng, chống tham nhũng, không để tồn đọng kế hoạch và triển khai dồn vào thời điểm cuối năm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các địa phương và doanh nghiệp.
Trong đó, Chính phủ đặc biệt coi trọng việc chấn chỉnh, xử lý hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu việc xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung.