Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội. Nhiều đại biểu đã hiến kế đem lại động lực mới cho nền kinh tế.

Tăng cường quyền lực mềm của đất nước

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhấn mạnh, trong sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế.

Để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, bà Yên cho rằng bên cạnh việc khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế.

Tathiyen 1.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên. Ảnh: QH

“Kinh nghiệm của Hàn Quốc khi vừa công bố gói hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm tài chính, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất đáng được quan tâm”, nữ đại biểu tỉnh Điện Biên dẫn chứng.

Bên cạnh đó, bà Yên đề nghị cần tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày…; phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng.

Bà Yên cũng lưu ý, cần chú ý tới tăng cường thương hiệu, uy tín quốc gia, quyền lực mềm của đất nước.

Nước ta với số dân đông đứng thứ 15, quy mô kinh tế đứng thứ 35, thu hút đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 20 trên thế giới. Hơn thế nữa, Việt Nam đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế.

Do đó, theo bà Yên, khi xây dựng chính sách cũng như chỉ đạo, điều hành cần tính đến các yếu tố này, nhất là trong đánh giá, phân tích các hiệu ứng, tác động tích cực,.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc để tạo sự đồng thuận, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thách thức, nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn những kết quả và xu thế tích cực trong phát triển đất nước. 

Đất nước cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng ghi nhận sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh, tác động đến tâm trạng chung của toàn xã hội khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, quan tâm, lo lắng.

Trong đó có tình trạng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Cụ thể, năm 2023 có 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022; trong 4 tháng đầu năm 2024 có hơn 86,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2023.

NguyenHuuThong.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: QH

“Một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nước đó. Tuy nhiên, thực trạng trên cho thấy đáng để suy ngẫm vì sao”, đại biểu tỉnh Bình Thuận trăn trở.

Đại biểu kiến nghị bên cạnh việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, cần nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng đó là chủ động, kịp thời trong thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp; tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cho rằng, trong các giải pháp mà Chính phủ nêu có huy động 100.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, "đây là một trong những nguồn lực rất lớn cho đầu tư các công trình trọng điểm".

Theo ông Sơn, nếu huy động tiền Việt thì nên có giải pháp huy động ngoại tệ trong dân, vì lượng kiều hối mỗi năm hơn 20 tỷ USD.

"Thực tế người dân trong quá trình giữ USD thì luôn xem Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trung tâm như thế nào. Nếu tỷ giá trung tâm càng tăng thì người dân càng găm giữ USD", đại biểu phân tích.

Nhắc đến lãi suất USD trong nước hiện bằng 0 trong khi các nước xung quanh đã tăng lãi suất USD, như Mỹ hiện tăng 5,25-5,5%, đại biểu nghi vấn: "Liệu có hiện tượng chảy đô la trong nước ra nước ngoài?".

Ông Sơn cho rằng cần tính toán huy động nguồn lực nội tệ, ngoại tệ để đầu tư phát triển, làm thế thì có nhiều nguồn lực thay vì đi vay nước ngoài.