Có tên trong vụ án thứ 4
Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á, CTCP M&C và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với 3 người, gồm: Trần Phương Bình (1959), nguyên Tổng Giám đốc (TGĐ) Ngân hàng TMCP Đông Á; Nguyễn Đức Tài (1968), nguyên giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Đông Á; Phùng Ngọc Khánh, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP M&C.
Sau khi VKSND tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh đúng quy định pháp luật.
Cơ quan điều tra cho biết đang tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng vụ án và thu hồi tài sản.
Như vậy, đây là vụ án thứ 4 ông Trần Phương Bình bị khởi tố do sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á.
Trước đó, ông Bình đã nhận án tù chung thân năm 2018 trong vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á. Năm 2020, ông Bình nhận án tù chung thân lần thứ 2 trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỷ đồng của ngân hàng. Gần đây, ngày 19/5 ông Bình bị đưa ra xét xử vụ án thứ 3 vì sai phạm gây thất thoát hơn 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn.
DongABank suy sụp nghiêm trọng trong một thời gian dài và ông Trần Phương Bình 2 lần bị tuyên phạt mức án chung thân vì hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng này.
Những sai phạm của lãnh đạo ngân hàng trước năm 2015 đã khiến DongABank lỗ lũy kế hơn 31 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25 nghìn tỷ đồng. Lý do chính là bởi ngân hàng cho vay theo chỉ đạo ông Trần Phương Bình mà không tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và của nội bộ ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình từng là đại gia kim tiền bậc nhất Việt Nam, với hơn 20 năm gắn bó cùng Ngân hàng TMCP Đông Á - DongA Bank (DAF). Tuy nhiên, những sai phạm khiến ông và dàn lãnh đạo tại đây vướng vòng lao lý.
Ông Bình bắt đầu đảm nhận chức vụ TGĐ DongABank từ 1998 và Phó chủ tịch HĐQT từ năm 2013 cho tới 8/2015. Trên thực tế, ông không nắm vị trí chủ tịch HĐQT DongABank nhưng trong một thời gian dài, ông được xem là người trực tiếp lèo lái ngân hàng này.
Thế mạnh kinh doanh của gia đình
Thời gian đầu, vợ ông Trần Phương Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung đảm nhận vai trò Chủ tịch DongABank, sau lui về làm cố vấn và tập trung công việc tại CTCP ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Vài năm trước khi ông Bình bị đình chỉ công tác, ông Cao Sĩ Kiêm là chủ tịch DongABank với vị thế thành viên độc lập.
Trước khi bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức vụ TGĐ, ông Trần Phương Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất tại DongABank. Báo cáo nửa đầu 2015 cho thấy, ông Bình nắm giữ 15 triệu cổ phiếu DAF (tương đương 3%). Ông Cao Sĩ Kiêm nắm giữ 0%. Bà Cao Thị Ngọc Dung nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu (hơn 1,9%); các con gái Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Hà nắm giữ tổng cộng 23,7 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 4,7%). Bên cạnh đó mẹ vợ, anh em vợ nắm giữ tổng cộng hàng triệu cổ phiếu.
PNJ cũng gặp một điểm khó là khối tiền lớn gần 400 tỷ đồng trong khoản đầu tư tại Ngân hàng DongABank.
Tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn ngân hàng này. Bà Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ, cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongABank giai đoạn từ năm 1992-1997.
Theo bản cáo bạch của DongABank năm 2013, ngân hàng này có 3 cổ đông lớn: Văn phòng Thành ủy TP.HCM, PNJ (7,7%) và Công ty CP vốn An Bình. PNJ đã rót gần 400 tỷ đồng để sở hữu gần 38,5 triệu cổ phiếu EABANK.
Trong báo cáo tài chính năm 2015 của PNJ cho thấy công ty đã trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongA Bank từ năm 2014.
Mấy năm gần đấy, PNJ kinh doanh tốt và có sự phát triển mạnh, vững vị thế đơn vị kinh doanh vàng - trang sức hàng đầu Việt Nam. Cổ phiếu PNJ gần đây vẫn quanh vùng đỉnh lịch sử nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng, với lợi nhuận 4 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 45% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 4, lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ 2021.
Trong những tháng đầu 2022, PNJ hưởng lợi khi giá vàng tăng cao và doanh nghiệp này nắm giữ lượng tồn kho lớn, đạt gần 9.000 tỷ đồng tính thời điểm cuối 2021.
Năm 2021, PNJ góp vốn vào CTCP Người Bạn Vàng, một chuỗi hệ thống cầm đồ các sản phẩm trang sức, kim cương, thiết bị điện tử và các phụ kiện thời trang... được thành lập năm 2017. Đây là đối tác của PNJ kể từ năm 2018 và có các quầy cầm đồ tại một số cửa hàng của PNJ.
Mặc dù bứt phá mạnh thời gian gần đây nhưng PNJ đối mặt với nhiều cạnh tranh. CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài gần đây cũng tấn công vào mảng bán lẻ trang sức.
MWG vừa thử nghiệm một loạt cửa hàng độc lập bán lẻ, đồng thời, triển khai shop-in-shop kinh doanh, trong đó có hàng trang sức AVAJi. MWG cũng đã ra mắt chuỗi BlueJi bán nhiều loại đồ trang sức và kính mắt hàng hiệu với những cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.
M. Hà
Trần Phương Bình từng được đánh giá là một trong những nhân vật tài năng nhất trong ngành ngân hàng nhưng với quyết định mang tính "đánh bạc" vào vàng, mọi thứ dường như đã chấm hết với người đàn ông này...