Đặng Khắc Vỹ - ông chủ ngân hàng đang lên VIBank
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) của doanh nhân kín tiếng Đặng Khắc Vỹ (1968, quê Nghệ An) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận lũy kế 3 quý đầu năm đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, nằm trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.
Phần lớn lợi nhuận của VIB đến từ thu nhập lãi. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 27%, hiệu quả top đầu ngành. Trong quý IV, nhiều khả năng kết quả kinh doanh tiếp tục ấn tượng do VIB là một trong những ngân hàng còn room tín dụng lớn.
Với mức lợi nhuận trong 9 tháng, VIB nằm trong Top 10 lợi nhuận cao nhất trong số 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2023. Lợi nhuận của VIBank thậm chí còn cao hơn cả VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng - một tổ chức tín dụng có vốn đăng ký cao hơn cả các ông lớn ngân hàng thương mại có nguồn gốc quốc doanh.
Có thể hình dung rõ hơn về quy mô lợi nhuận của VIB khi thấy Top 20 doanh nghiệp niêm yết lãi lớn nhất trên thị trường chứng khoán gần như là sân chơi riêng của các ngân hàng, với phân nửa tổ chức góp mặt.
Ông Vỹ cũng như nhiều đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu sau đó trở về Việt Nam kinh doanh. Hiện ông nắm giữ hơn 4,9% vốn VIB, trong khi vợ nắm hơn 4,9%. Cũng có khoảng thời gian, tỷ lệ của nhà ông Vỹ tại VIB còn cao hơn khá nhiều nhưng sau đó tỷ lệ này thay đổi do sự sắp xếp lại trong ngân hàng.
Hồi tháng 7-8/2023, con trai Chủ tịch VIB - Đặng Quang Tuấn đã bán thành công hơn 12,7 triệu cổ phiếu VIB (tương đương 4,9%). Trong khi đó, CTCP Funderra, tổ chức có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ cũng đăng ký mua vào 124,7 triệu cổ phiếu VIB.
Ông Vỹ và vợ con nắm số lượng cổ phiếu VIB hiện có giá trị khoảng gần 7.000 tỷ đồng.
Ông Vỹ hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB khóa IX (2023 - 2027).
Mặc dù có kết quả kinh doanh tốt nhưng cổ phiếu VIB gần đây giảm sâu trong tháng 10/2023, qua đó tài sản gia đình chủ tịch Đặng Khắc Vỹ giảm cả nghìn tỷ đồng trong hơn năm qua.
Bên cạnh ông Vỹ, tại VIB cũng có một doanh nhân kín tiếng khác là Đặng Văn Sơn, là Phó Chủ tịch VIB suốt hơn thập kỷ. Uniben (chủ mì 3 miền) từng là cổ đông nắm giữ hơn 4,8% cổ phần VIB. Đây là doanh nghiệp từng liên quan tới ông Sơn và anh trai ông Vỹ.
Tròn thập kỷ "đổi ngôi"
Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Đặng Khắc Vỹ được biết đến rộng rãi từ năm 2013. Giữa tháng 9/2013, Ngân hàng VIB đã sắp xếp lại nhân sự cấp cao với điểm nổi bật là ông Đặng Khắc Vỹ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Hàn Ngọc Vũ.
Trên thực tế ông Vỹ là cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu lớn, gắn bó và đặt nền móng cho VIB cả chục năm trước đó. Tuy nhiên, 2013 có lẽ là năm mà ông chủ kín tiếng khởi nghiệp từ Đông Âu này muốn đánh dấu một giai đoạn phát triển chiến lược tiếp theo cho đế chế này.
Khi đó, ông Đặng Khắc Vỹ và vợ nắm giữ tới 18,6% cổ phần VIB, cao hơn rất nhiều so với gia đình ông Hàn Ngọc Vũ. Ông Vũ và gia đình nắm chưa tới 0,4% cổ phần.
Cũng suốt hơn thập kỷ qua, ngoại trừ cổ đông ngoại Commonwealth Bank of Australia, ông Vỹ luôn có tỷ lệ sở hữu cao nhất và tương ứng với quyền lực rất lớn tại ngân hàng này.
Ông Đặng Khắc Vỹ là tiến sỹ kinh tế và đã có nhiều năm làm việc tại Nga, Singapore... và từng nổi tiếng về kinh doanh mì gói tại Nga và cạnh tranh gay gắt với sản phẩm mì gói của Masan.
Ông Vỹ cũng được biết đến là thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Mareven Food Holding Limited - một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng đầu tại các thị trường Đông Âu, Tây Âu.
Mặc dù vậy, trái ngược với sự nổi tiếng của nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu như ông Phạm Nhật Vượng, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, bà Nguyễn Thị Phương Thảo…, thì ông Đặng Khắc Vỹ vẫn khá kín tiếng từ đó cho tới nay.
Dù vậy, sự áp đảo về tỷ lệ nắm giữ tại một ngân hàng cùng với sự nổi lên khá ấn tượng của VIB trong vài năm qua, tên tuổi của ông Đặng Khắc Vỹ gần đây được nhắc đến nhiều hơn.
Trong vài năm gần đây, sự nổi lên của thương hiệu mì 3 Miền, mì Reeva… của Uniben (cổ đông của VIB) được cho là gắn liền với nhóm lãnh đạo cao nhất VIB vì từng gắn bó với nguồn vốn từ nhà băng này.
Trước đó, giới đầu tư cũng đã biết rất nhiều gương mặt doanh nhân Việt khởi nghiệp từ Đông Âu, trong đó có Nga và Ukraine như: tỷ phú Phạm Nhật Vượng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Đăng Quang-ông Hồ Hùng Anh. Ông Vượng, bà Thảo, ông Hùng Anh hiện là tỷ phú USD theo danh sách của Forbes. Ông Nguyễn Đăng Quang vừa rời khỏi danh sách này.