Dự án nghìn tỷ tại Lâm Đồng về tay đại gia Nguyễn Cao Trí
Trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra xác định ông Trí nhiều lần nhận tổng số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng để đầu tư dự án, mua cổ phần và ký hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang từ bà Trương Mỹ Lan.
Sau khi bà Lan bị bắt, ông Trí đã lập, ký các thủ tục thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty Văn Lang bằng cách ký lùi thời điểm, nhằm mục đích chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng này.
Theo hồ sơ vụ án, ông Trí và bà Lan có hợp tác làm ăn trong ba phi vụ, gồm mua bán cổ phần tại CTCP Cao su Công nghiệp và hợp tác đầu tư tại hai dự án bất động sản.
Về bất động sản, ông Trí và bà Lan còn có mối quan hệ hợp tác đầu tư tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Chủ đầu tư dự án này là CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh). Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, người đại diện pháp luật của công ty này là bà Phan Thị Hoa.
Thành lập vào năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Năm 2017, công ty nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp này chỉ có duy nhất dự án nói trên.
Năm 2020, Công ty Sài Gòn Đại Ninh ký hợp đồng bán 100% vốn điều lệ cho CTCP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group (Công ty Bến Thành), công ty con của Công ty Capella.
Tuy nhiên sau đó, ông Trí dùng Công ty TNHH Capella Hospitality (công ty con khác của Công ty Capella) thay Công ty Bến Thành để mua lại 51% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh, với giá 1.530 tỷ đồng. Tháng 1/2021, ông Trí trở thành người đại diện pháp luật của công ty này.
Tiếp đó, tháng 9/2022, ông Trí nhờ em trai Nguyễn Cao Đức đứng tên hộ mua 7% vốn điều lệ của cá nhân bà Hoa tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh với số tiền 700 tỷ đồng.
Tổng cộng, ông Trí sở hữu 58% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đã thanh toán cho bà Hoa 2.230 tỷ đồng.
Sau khi sở hữu phần lớn cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh, ông Trí thoả thuận bán 100% vốn điều lệ của công ty này cho bà Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương đương 463,5 tỷ đồng.
Sau đó, bà Lan đổi ý và thống nhất với ông Trí chuyển số tiền trên cùng một khoản tiền khác thành tiền mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.
Ngoài dự án trên, ông Trí và bà Lan còn hợp tác đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Giữa năm 2020, Công ty Bến Thành đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh cho nghiên cứu quy hoạch các địa điểm đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Hải Hà, Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Đảo Cái Chiên.
Công ty Bến Thành đã ký 23 hợp đồng với các đơn vị tư vấn để triển khai nghiên cứu quy hoạch dự án trên với tổng chi phí đã thanh toán 30,7 tỷ đồng. Nguồn tiền này được lấy từ hai công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với vai trò là nhà đầu tư hợp tác với Công ty Bến Thành.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Bến Thành triển khai nghiên cứu quy hoạch và hướng dẫn một số thủ tục liên quan, dự án mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu quy hoạch, chưa giao đất, chưa triển khai dự án.
Bà Lan muốn tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà và theo thoả thuận, bà này đã thanh toán cho ông Trí tổng cộng 9,5 triệu USD, tương đương 220 tỷ đồng.
Sau đó, bà Lan quyết định không tham gia đầu tư dự án mà chuyển khoản tiền này cùng một số khoản tiền khác để mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can với 7 tội danh trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố 3 tội danh là “Tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, và “đưa hối lộ”. Trong vụ án này, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang (Công ty Văn Lang) và CTCP Tập đoàn Capella (Công ty Capella), bị truy tố về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nguyễn Cao Trí được biết đến là vị đại gia sở hữu hai hệ sinh thái, gồm: Công ty Capella với 28 công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn; và Công ty Văn Lang với 7 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có Trường Đại học Văn Lang và hệ thống trường liên cấp Quốc tế Nam Mỹ (UTS). |